Thuha_116@...
- Đái tháo đường là một bệnh lý mãn tính có rối loạn tăng đường máu, do cơ thể chế tiết không đủ hormon insulin hoặc do sử dụng insulin không hiệu quả.
“Đề kháng insulin” là gì?
Đó là tình trạng insulin bị giảm mất hiệu quả tác dụng kiểm soát đường máu so với bình thường. Bệnh nhân bị đề kháng insulin thì nồng độ insulin trong máu vẫn bình thường, thậm chí còn cao hơn mức trung bình, nhưng do đáp ứng của tế bào kém nên cơ thể bệnh nhân đái tháo đường thể 2 vẫn không kiểm soát đường máu ổn định, đường máu vẫn cao. Cần lưu ý, tình trạng đề kháng insulin hoàn toàn không có nghĩa là cơ thể chống lại insulin như suy nghĩ thông thường, có lẽ tác giả bài báo đó đã suy diễn “đề kháng” insulin đồng nghĩa với “chống lại” insulin. Có nhiều cách xác định tình trạng đề kháng insulin:
- Đo tỉ số: nồng độ insulin/nồng độ glucose máu (I/G). Bình thường tỉ số này có trị từ 0,3 - 0,4, nếu thấp hơn là có tình trạng “đề kháng insulin” và nếu cao hơn là có tình trạng “cường insulin”.
-Các chỉ số khác như chỉ số Homa, Quicki... chính xác hơn nhiều nhưng quá phức tạp nên chỉ được dùng cho những trường hợp bệnh lý đặc biệt, cần có chế độ chăm sóc riêng.
Insulin gây ra bệnh tim?
Insulin là một hormon bình thường hiện hữu trong cơ thể con người, được sinh tổng hợp và tiết ra từ các tế bào bêta của tuyến tụy tạng. Trên lâm sàng, bệnh đái tháo đường và bệnh tim mạch thật sự là bạn đồng hành với nhau. Cho nên có thể nói thật chính xác tình trạng đề kháng insulin là nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch mới đúng, còn bản thân hormon insulin chẳng gây ra bệnh tim mạch.
Thuốc điều trị đái tháo đường hiện nay?
Có nhiều loại xếp trong bốn nhóm:
- Hormon insulin, là thuốc điều trị đái tháo đường tốt nhất và hợp sinh học nhất.
- Nhóm các thuốc kích thích tế bào bêta tăng tiết thêm insulin, chủ yếu là các thuốc nhóm sulfonylurea (Clazic, Diamicron, Predian...).
- Nhóm thuốc chống lại sự đề kháng insulin hay làm tăng nhạy cảm với insulin, đại diện là metformin (Diafase, Fordia, Glucophage, Siofor...).
- Nhóm thuốc làm giảm hấp thu đường glucose từ ruột.
Bốn loại thuốc này, tùy theo tình trạng bệnh bác sĩ sẽ chọn chỉ một loại hay phối hợp nhiều loại thuốc thích hợp cho từng bệnh nhân.
Theo TS.BS Trần Bá Thoại / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)