Buổi trò chuyện thú vị giữa các chuyên gia, diễn giả và hơn 500 lãnh đạo trẻ đã gợi mở nhiều điều bổ ích, bài học giá trị dành cho bạn trẻ đam mê khởi nghiệp.
Hơn 500 lãnh đạo trẻ tham dự diễn đàn khởi nghiệp - Ảnh: Xuân Phương
|
Hoạt động này do Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM và Hội LHTN VN TP.HCM tổ chức vào chiều qua 19.12.
Đặt mình vào bối cảnh cạnh tranh
Anh Lâm Đình Thắng, Phó bí thư thường trực Thành đoàn TP.HCM, cho rằng người lãnh đạo trẻ hiện nay có nhiều điểm mạnh, như khát khao thành công, khẳng định mình để làm giàu, sáng tạo và sẵn sàng thử nghiệm những cái mới, và đặc biệt là tuổi trẻ tài cao.
Tuy nhiên, theo anh Thắng, họ đã vướng phải những “điểm trừ”, như còn nóng vội, thiếu kiên trì. Không ít người có kiến thức tốt nhưng thiếu kinh nghiệm thực tiễn, hoặc rơi vào trường hợp “cái gì cũng biết nhưng không biết cái gì”, nghĩa là biết chưa sâu, chưa hiểu vấn đề trọn vẹn.
Nhiều bạn trẻ thắc mắc, vậy đâu là những “chất liệu” để giúp những người lãnh đạo trẻ thành công trong công việc? Anh Thắng cho rằng lãnh đạo trẻ phải có tầm nhìn, phải tạo được uy tín với người khác, có sức ảnh hưởng và truyền cảm hứng.
Nguyễn Hồng Thanh, đang điều hành một công ty tại TP.HCM, đặt câu hỏi: “Khả năng lãnh đạo là tố chất hay do rèn luyện?”. Ông Tề Trí Dũng, Tổng giám đốc Công ty Bến Thành, cho rằng người lãnh đạo là sự hội tụ của hai điều này. Không chỉ có những tố chất nhất định, mà còn phải trau dồi kiến thức, học hỏi mọi lúc mọi nơi, phải rèn luyện kỹ năng qua năm tháng.
Ông Dũng cũng nhận định người lãnh đạo trẻ hiện nay có những điểm yếu, đó là tuy có đam mê và quyết tâm lớn, nhưng “cháy” hết mình nên vô tình tạo ra những sơ hở nhỏ, dẫn đến hậu quả lớn. Nhiều người còn nóng vội, chọn những lối đi chưa chính xác, nhất là những mối quan hệ không minh bạch...
“Lãnh đạo trẻ cần có độ đằm nhất định. Biết lắng nghe những phản biện, góp ý của người khác, biết chịu khó học hỏi, lắng nghe kinh nghiệm từ những người đi trước. Có như vậy mới trở thành người lãnh đạo thành công”, ông Dũng nói.
Để không “nhức đầu” khi kinh doanh
Tại diễn đàn còn có những câu chuyện kinh doanh thú vị. Sau mỗi câu chuyện là một bài học kinh nghiệm bổ ích.
Nhà thiết kế Chương Đặng đã mang đến câu chuyện của một người đam mê thiết kế nhưng lại kinh doanh thành công chuỗi cà phê theo phong cách tự pha chế thu hút đông giới trẻ TP.HCM. “Để không phải nhức đầu khi kinh doanh thì hãy coi việc kinh doanh là những vòng bánh xe. Dẫu như thế nào thì vòng xe cũng luôn lăn bánh, vì thế trước mỗi khó khăn, thử thách, cần giữ được sự cân bằng, bĩnh tĩnh vượt qua”, Chương Đặng chia sẻ kinh nghiệm.
Còn Mai Trường Giang, Tổng giám đốc Công ty Khuông Việt, thì chia sẻ bí quyết để không bỏ cuộc giữa chừng khi khởi nghiệp. “Khi kinh doanh phải có sự tập trung tối đa và luôn có tư duy tích cực. Có như vậy mới tháo gỡ được những nút thắt khó khăn gặp phải”, Trường Giang cho biết.
Trong diễn đàn còn có sự xuất hiện của Nguyễn Hà Đông (ảnh), người “gây bão”
“Vì sao Flappy Bird thành công?”. Hà Đông bảo rằng không biết lý do. “Tôi không nghĩ mình thành công và cũng không nghĩ mình thất bại. Nhiều người hỏi tôi được gì và mất gì sau Flappy Bird? Tôi được nhiều thứ nhưng không mất gì”, Đông nói. Hà Đông khuyên những bạn trẻ làm game, khi tạo ra sản phẩm cần chú ý 3 tiêu chí quan trọng, là nhân vật, bối cảnh, phong cách chơi. Cần tạo ra nhân vật có cá tính. Nói về trò chơi mới Swing Copter, Hà Đông bảo: “Mọi người đừng quá kỳ vọng vào sự thành công tương tự Flappy Bird. Với tôi, Swing Copter rất ổn, ổn hơn mong đợi”. Hỏi: “Vì sao gỡ Flappy Bird?”, Hà Đông trả lời: “Trò chơi này đã khiến nhiều người nghiện, nếu các trò chơi khác của tôi mà để người chơi nghiện thì tôi cũng sẽ gỡ bỏ tương tự”. |
Bình luận (0)