Thật thật giả giả, tá hỏa đọc tin
Chiều ngày 18.12, dân mạng liên tục chia sẻ thông tin: “Bắt giữ thêm một đồng phạm trong vụ chặt đầu chồng bỏ thùng rác”. Thông tin này khiến nhiều người tá hỏa, hoang mang. Theo đó, trang tin này (kenh13…) đã bịa vụ sát hại chồng phi tang xác ở Bình Dương thêm nhiều tình tiết như: “Sau 2 ngày điều tra cũng như tìm kiếm thêm các phần thi thể khác của nạn nhân, Công an tỉnh Bình Dương phát hiện ra nhiều chi tiết bất hợp lí mà nghi phạm D đã khai nhận tại trụ sở. Hàng giờ liền đấu trí với nghi phạm, cuối cùng Công an tỉnh Bình Dương xác định thêm đồng phạm cùng thực hiện hành vi giết người ghê rợn trên. Đồng phạm được xác định là L.N.H.A (33 tuổi), hiện đang làm bảo vệ tại cùng công ty D làm việc. H.A cũng chính là người tình của D gần một năm nay…”.
Tuy nhiên ngày 19.12, Công an Bình Dương cho biết từ lời khai của Diễm cùng các dấu vết, chứng cứ thu thập tại hiện trường cho thấy toàn bộ quá trình gây án chỉ có một mình Diễm thực hiện. Đến lúc này cộng đồng mạng mới tỏ ra tức giận vì bị lừa, đồng thời hối hận khi đã chia sẻ thông tin không chính xác, góp phần làm hoang mang dư luận.
Trước đó, vào đầu tháng 12, trang luatphapso… đăng tin: “Phát hiện thi thể đàn ông nghi là người đe dọa tài xế ở BOT Cai Lậy” khiến dư luận quan tâm, nhất là trong thời điểm câu chuyện BOT Cai Lậy trở thành vấn đề “nóng”. Sau một vài ngày tin tưởng vào thông tin bịa đặt ấy, nhất là khi được phát tán, chia sẻ rất nhanh, rất nhiều, mọi người mới phát hiện hóa ra bản tin đó hoàn toàn bịa đặt, lấy lại hình ảnh từ một vụ án đã được đăng trên các báo chính thống từ ngày 23.11.2017. Chính Đại tá Nguyễn Hồng Khắc, Trưởng công an TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) cũng khẳng định: “Thông tin 'phát hiện thi thể đàn ông nghi là người đe dọa tài xế ở BOT Cai Lậy' là tin đồn thất thiệt”.
tin liên quan
Kiểm tra, xử lý người tung tin Đà Lạt có tuyết rơiCòn rất nhiều câu chuyện tương tự mà dân mạng bị “lừa ngoạn mục” bởi những thông tin thất thiệt. Tối ngày 19.12, một thành viên mạng xã hội Facebook đã đăng tải lên trang cá nhân các đoạn phim, hình ảnh kèm theo lời dẫn: "Đà Lạt lần đầu tuyết rơi trắng trời, đi làm không kịp chuẩn bị đồ ấm giờ lạnh cóng người".
Sau đó, nhiều trang mạng, diễn đàn xã hội, chuyên trang về du lịch đã chia sẻ lại thông tin tương tự khiến nhiều người nhầm tưởng Đà Lạt có tuyết rơi thật.
Trước thông tin trên, nhiều người từ khắp nơi lên kế hoạch tới Đà Lạt ngắm tuyết rơi. Tuy nhiên, qua xác minh thực tế, thông tin này là không đúng sự thật. Hình ảnh và clip đăng tải trên mạng là do dàn dựng, hiệu ứng bọt nhân tạo.
Ngày 20.12, Lãnh đạo Sở TT-TT Lâm Đồng cho biết đã chỉ đạo Thanh tra Sở tiến hành kiểm tra, xử lý cá nhân (hoặc tổ chức) tung tin không chính xác này.
Trần Thành Vương, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn cho biết bản thân anh từng là nạn nhân của “bẫy lừa thông tin” trên mạng xã hội. “Vào đầu tháng 7, mình đọc được bài “Hàng ngàn người Mỹ ân hận vì tiêm vắc-xin HPV”. Đọc và “tin sái cổ”. Nhưng rồi sau này mới phát hiện đó là tin vớ vẩn”.
Cũng thời gian trên, Lê Vi (sinh viên Trường ĐH Hùng Vương) cũng cho biết bị “dắt mũi” bởi tin tào lao mà kẻ xấu đã bịa ra. “Mình đọc tin Công an huyện Tánh Linh (Bình Thuận) bắt giữ hai nữ sinh vì hiếp dâm một nam thanh niên khiến chàng trai tử vong, thấy nhiều trang mạng cùng dẫn lại nên tin. Ai ngờ chỉ là tin hư cấu”.
Theo khảo sát, còn rất nhiều thông tin giật gân với các chủ đề cướp, giết, hiếp tràn lan trên mạng xã hội mỗi ngày. Không cơ sở, không căn cứ, thậm chí có những thông tin hoang đường nhưng lại khiến nhiều người tin "sái cổ". Trước màu sắc hấp dẫn của các nguồn thông tin trên mạng xã hội, không ít người đã đôi lần mắc bẫy hoặc vô tình trở công cụ kiếm tiền của kẻ xấu bằng những hành động chia sẻ, bình luận thiếu suy nghĩ và trách nhiệm.
tin liên quan
Tin thất thiệt: Vào tận trường tiểu học giật dây chuyền (?!)
Hãy là người tỉnh táo!
Thường xuyên tìm hiểu và phân tích nhu cầu người dùng trên mạng xã hội, anh Nguyễn Nam (28 tuổi, làm việc tại một Digital Agency tại TP.HCM), phân tích: "Người đọc thường quan tâm tới hai vấn đề chính: sự an toàn (sức khỏe, tính mạng...) và tài chính. Cao hơn nữa là nhu cầu cập nhật và chia sẻ thông tin. Do đó, những nội dung liên quan theo các nhóm sốc - sex - sến thường dễ gây chú ý và thu hút người xem".
Không thể phủ nhận quyền tự do ngôn luận của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, việc tiếp nhận và chia sẻ thông tin như thế nào là chính xác và có trách nhiệm thì vẫn chưa có một quy chuẩn cụ thể, đặc biệt là trong môi trường mở như mạng xã hội.
Thu Hoài (25 tuổi, TP.HCM) cho biết: "Nhiều bạn vì muốn được chú ý nên cái gì càng giật gân lại càng chia sẻ, bất chấp độ chính xác của thông tin. Giống như muốn chứng tỏ mình cũng kịp thời nắm bắt thông tin ấy. Nó như một nhu cầu được thể hiện bản thân. Có người mình đảm bảo còn không đọc nội dung đã vội chia sẻ và bình luận cho xôm tụ. Theo mình, những người có hiểu biết và kiến thức thì họ sẽ biết chỗ nào nên bình luận và bài nào họ nên chia sẻ".
Huỳnh Phúc (sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) khuyên: “Để không mắc lừa bởi những tin tào lao trên mạng, mọi người phải tỉnh táo. Có thể thử tìm kiếm trên google để xác thực kiểm chứng thông tin, xem có trang nào đăng hay không. Đặc biệt là tham khảo xem các trang báo chính thống có đưa tin hay không”.
Thu Hoài thì chia sẻ: “Những bài báo, thông tin nào có cái tít giật hân, gây sốc thì càng phải… né, bởi thường là tin bịa đặt. Cũng cần cảnh giác với những trang tin có tên miền dài nữa”.
Thành Vương khuyên: “Hãy bỏ like theo dõi và thoát khỏi những trang, hội, nhóm nhảm nhí, vô bổ. Vì những nơi đó thường đăng tải những thông tin gây sốc để câu like. Đặc biệt, khi phát hiện những tin vớ vẩn, tào lao, phải bấm nút "báo cáo" (report) về thông tin đó. Có như vậy thì những tin xấu, có khả năng “dắt mũi” mọi người mới không còn cơ hội tồn tại nữa”.
Bình luận (0)