Để không chán nản khi học đại học

21/03/2013 03:25 GMT+7

Bước vào bậc đại học, tân sinh viên ngoài việc phải đối mặt với nhiều ngỡ ngàng, khó khăn do thay đổi môi trường sống, còn là lần đầu tiên đối diện với “sự tự do”. Nếu không biết tự chủ, bản thân sinh viên dễ mất định hướng.

Thống kê cho thấy 85% sinh viên (SV) năm nhất cảm thấy bị áp lực, 60% đã bị choáng ngợp trong môi trường học mới. Ở rất nhiều trường ĐH nước ngoài, phương pháp học ĐH là một trong những môn tiên quyết trong học kỳ đầu tiên cho tất cả SV. Các tân SV ở những trường áp dụng học chế tín chỉ, liên kết đào tạo và trường quốc tế cần chuẩn bị hành trang để không ngỡ ngàng, vấp ngã trong môi trường mới.

 Học nhóm là một trong những cách giúp sinh viên học hiệu quả
Học nhóm là một trong những cách giúp sinh viên học hiệu quả - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Học ĐH là phải chủ động. Trung bình SV phải dành ra 2 tiết tự học cho một tiết lên lớp. Có nghĩa nếu một học kỳ từ 4 - 7 môn học, SV có 10 - 15 tiết lên lớp thì phải hoạch định cho mình từ 20 - 30 giờ tự học. Những hoạt động này bao gồm tìm kiếm và đọc tài liệu, xem lại các ghi chép trên lớp, làm bài tập độc lập, làm bài tập nhóm, thảo luận nhóm, thảo luận online, ôn tập thi cử, làm nghiên cứu, viết báo cáo khoa học. Để việc học đạt hiệu quả, SV cần trang bị những điều sau:

1. Xây dựng thời khóa biểu hiệu quả: Xem xét từng môn học, các hoạt động ngoài giờ, nhu cầu cá nhân để xây dựng một thời khóa biểu tích hợp chung cho mỗi học kỳ và tuân thủ theo đó một cách kỷ luật, tự giác. Cho mỗi môn học, SV lên hạn nộp bài của từng môn, lịch thi cử, giờ lên lớp, giờ thư viện, giờ làm bài của các môn, thảo luận nhóm, bài nào làm trước, làm sau, đầu tư bao nhiêu thời gian… một cách chi tiết.

2. Kỹ năng làm việc độc lập: Nếu trường có hệ thống giáo trình trực tuyến, SV có thể chủ động xem trước bài giảng, đọc thêm các tài liệu được đề nghị và lên lớp chuẩn bị tinh thần để thảo luận, đặt câu hỏi, ghi chép. Việc ghi chép rất khác với bậc học phổ thông ở chỗ nó mang tính chọn lọc, phân tích, phản biện, chứ không còn đơn thuần là thầy đọc trò chép. SV cần phải làm quen với việc sử dụng sơ đồ, hình vẽ để ghi chép. Sau khi xuống lớp, SV phải đọc lại những ghi chép này, đặt câu hỏi, sau đó lập sơ đồ tóm tắt, phân tích và đưa ra kết luận. Những giờ không ở trên giảng đường SV đặt mục tiêu phải đọc thêm được ít nhất 2 - 3 tài liệu giảng viên đề nghị, tham gia thảo luận online (nếu có) của môn học đó, tiến hành làm các bài tập theo thời khóa biểu đã định.

3. Tổ chức học nhóm: Một nhóm làm việc tối ưu nên bao gồm 3-4 thành viên có lối học, suy nghĩ và thời khóa biểu tương đối hòa hợp. Làm việc nhóm hiệu quả đòi hỏi kỹ năng giao tiếp, trình bày, thuyết phục, lắng nghe, phản biện.

4. Chủ động và chọn lọc trong việc tìm kiếm nguồn tài liệu hỗ trợ: Lưu ý rằng việc tìm kiếm online không chỉ quanh quẩn bằng hai trang Google và Wikipedia. Nguồn tư liệu sách, tạp chí in, và nguồn tư liệu online có giá trị phải được khai thác trước khi tìm đến những nguồn thông tin tràn lan và không được thẩm định trên internet.

5. Tham gia các hoạt động ngoại khóa, các tổ chức, đoàn thể, câu lạc bộ: Đây là những hoạt động giúp sinh viên có cơ hội hoặc chuyên sâu vào một chủ đề yêu thích và giúp SV tự phát triển bản thân, mở rộng tầm nhìn, xây dựng các mối quan hệ, học hỏi và rèn giũa các kỹ năng mềm vô cùng cần thiết khi đi làm như kỹ năng giao tiếp, tổ chức, lãnh đạo… 

6. Tham gia hoạt động thể thao: Ngoài việc giúp sinh viên giải trí, xả stress, rèn luyện sức khỏe và thực hiện lối sống lành mạnh, nó còn nâng cao tinh thần đoàn kết, tinh thần thể thao và tính cạnh tranh - những đức tính mà rất nhiều nhà tuyển dụng để mắt tới.

7. Kỹ năng ngoại ngữ: SV cần trau dồi khả năng ngoại ngữ bằng cách học đọc nhanh, không cần dịch hay tra từ điển khi không cần thiết; xem/nghe mỗi ngày các chương trình radio, kênh truyền hình nước ngoài; tham gia câu lạc bộ nói tiếng Anh hay thực tập với nhóm của mình.

8. Kỹ năng máy tính: Trong thao tác máy tính, không phải chỉ biết cách gõ bàn phím mà phải biết đánh máy chính xác với tốc độ ít nhất là 30 từ/phút. Trong các công cụ tìm kiếm, không phải chỉ biết gõ từ khóa mà phải biết cách kết hợp toán tử để tìm nhanh và chính xác. Trong Microsoft Word, không phải chỉ biết soạn văn bản mà phải biết dàn trang, làm mục lục ...

9. Kỹ năng tư duy phản biện và viết bài luận: Điều này sẽ tập cho SV khả năng phân tích, nhìn nhận, lắng nghe, tìm tòi, thắc mắc, thách thức những suy nghĩ đã ăn sâu, thoát ra khỏi lối tư duy sáo mòn để hình thành những nhìn nhận mới phá cách.

Phạm Thiên Hà
(Cựu giảng viên ĐH Quốc tế RMIT)

>> Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên
>> Đề nghị giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp
>> Đa số sinh viên thiếu hiểu biết về đạo văn
>> “Vì Trường Sa thân yêu” đến với sinh viên TP.HCM
>> Sinh viên phòng chống tội phạm
>> Chương trình trao đổi sinh viên
>> Tuyển 250 sinh viên chất lượng cao
>> Cơ hội và thách thức cho sinh viên quốc tế
>> 250 học bổng phát triển cho sinh viên Việt Nam 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.