Để không còn những bài học đau xót

31/12/2017 06:10 GMT+7

Đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng là một dấu ấn đậm nét trong năm 2017 với những thành công to lớn. Đảng và Nhà nước đã thể hiện quyết tâm phòng chống tham nhũng, chứng tỏ không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nhận được sự đồng thuận và cổ vũ của toàn dân.

Tuy nhiên, để phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng, chúng ta cần có thay đổi về thể chế, thiết kế hệ thống để không xảy ra những vụ việc như ở PVN, Vinashin...
Khi PVN đổ vỡ với hàng loạt dự án thua lỗ nghìn tỉ đồng, chúng ta đều nhận ra “lỗ hổng” của những tập đoàn kinh tế với vai trò là quả đấm thép. Mấy năm trước, Vinashin khiến dư luận bức xúc với thua lỗ, thất thoát 86.700 tỉ đồng. Sau đó, Vinalines đã nhấn chìm tiền thuế của dân gần 3.500 tỉ đồng.
Với các trọng án kinh tế, nhiều quan chức đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mắc sai phạm trong quản lý làm thất thoát nhiều tỉ đồng, hoặc tham ô đã bị “bóc lịch”. Dù vậy, danh sách này vẫn tiếp tục nối dài bởi những vết nứt từ khối doanh nghiệp nhà nước không được hàn gắn mà bung vỡ ra, tiêu biểu là 12 dự án thua lỗ nặng của ngành công thương, cái nào cũng mất cả ngàn tỉ đồng.
Nếu không có sự nỗ lực, quyết tâm trong công tác chống tham nhũng, chúng ta sẽ không thể xử lý được nút thắt như sợi dây thòng lọng trói chặt cả nền kinh tế. Trải qua một giai đoạn nóng vội, chúng ta cho ra đời nhiều tập đoàn lớn trong đó có Vinashin, PVN, Tập đoàn cao su VN...
Nguyên nhân của các vụ việc đau lòng trên, đó là sự nóng vội, sự bắt chước nước ngoài một cách vội vã với việc lập các “tập đoàn kinh tế mạnh - quả đấm thép”; trong khi chưa nghiên cứu, xây dựng thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, chưa có cơ chế tuyển chọn người có tâm, có năng lực đảm đương các vị trí quan trọng này.
Tuy đã có cơ chế giám sát hoạt động của các đơn vị này, nhưng chưa quy trách nhiệm của những cơ quan giám sát khi xảy ra những vi phạm nghiêm trọng. Việc tạo dựng những mô hình mới trong hoạt động kinh tế, ban đầu cần làm thí điểm, rồi rút kinh nghiệm, từ đó mới tạo lập những mô hình hoàn chỉnh phù hợp với điều kiện cụ thể của chúng ta. Tránh nóng vội để những người đứng đầu tâm không sáng, vụ lợi bổ nhiệm những người thân quen, cùng cánh không có năng lực vào những vị trí chủ chốt là sân sau, để đục khoét tiền thuế của dân.
Chấn chỉnh chuyện làm ăn của các tập đoàn, phòng chống tiêu cực, tham nhũng là mục tiêu lớn của Đảng và Nhà nước. Song, điều mà mọi người dân mong đợi, là chúng ta phải có một thể chế, một cơ chế giám sát thực sự hữu hiệu để không còn xảy ra những bài học đau xót tương tự ở PVN, khiến đất nước vừa thiệt hại ghê gớm về kinh tế, vừa mất đi cán bộ và quan trọng hơn là làm dân mất đi niềm tin ở Đảng và chế độ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.