Lăng kính bạn đọc:

Để không còn những bài văn 'đúc khuôn'

M.Giao
M.Giao
(tổng hợp)
04/12/2023 05:10 GMT+7

Nhiều bạn đọc dở khóc dở cười khi thấy hai bài văn giống hệt nhau của hai học sinh, và cho rằng đây là "sản phẩm" của bệnh thành tích và biến tướng dạy thêm.

Như Thanh Niên đã thông tin, tác giả bài báo Hai bài văn "đúc khuôn": Biến tướng của học thêm là một giáo viên (GV). Tác giả viết: Với đề bài phân tích bài thơ Bạn đến chơi nhà của tác giả Nguyễn Khuyến, GV hy vọng sẽ bắt gặp những nét bút học trò cảm nhận cái hay, cái đẹp của ngôn từ và thơ ca.

Để không còn những bài văn 'đúc khuôn' - Ảnh 1.

Hai bài văn rập khuôn

NVCC

Câu từ hẳn nhiên còn vụng về, ý tứ ngô nghê, diễn đạt sẽ còn gượng gạo nhưng tôi trân trọng từng bài viết thật của học trò. Bởi các em đang tập làm văn, tập cảm nhận thơ ca, tập viết bài phân tích văn học… Thế rồi ngòi bút đỏ chấm bài trên trang giấy bất chợt đứng khựng lại, ngờ ngợ "vừa đọc bài văn này hồi nãy", "sao quen quá", "hay là…". Lật lại xấp bài, tôi bắt gặp hai bài văn sao chép gần như "đúc khuôn"…

Càng đau lòng hơn bởi đây là hai học sinh (HS) có ý thức học tập tốt, năng lực viết văn thuộc dạng khá giỏi. Thế mà hai bài văn trưng ra trước mắt lại "gạo" bài từ một cái khuôn ở đâu đó rồi cứ thế chép văn đổi điểm số. Dò hỏi, tôi mới biết các em cùng theo học thêm một "lò". Đáng lo vô cùng khi có những lớp dạy thêm cho HS "chép văn" đầy nguy hại như thế!

Bài trên lớp đã học trước ở lớp học thêm, đề kiểm tra đã giải trước ở lớp học thêm, trò cứ thế mà nhớ lại, giải lại đề, viết lại văn. Nếu không chấn chỉnh tình trạng dạy thêm biến tướng và tiêu cực như thế này, chúng ta sẽ tạo ra những cỗ máy học để đạt điểm số cao chót vót, giật thành tích đứng đầu và ganh đua danh hiệu xuất sắc. Còn tư duy phản biện, năng lực sáng tạo, kỹ năng tự học lại bị mài mòn, triệt tiêu ngay từ những ngày thơ bé cắp sách đến lớp học thêm.

Căn bệnh thành tích

Nhiều bạn đọc (BĐ) chỉ ra việc có 2 bài văn "đúc khuôn" là từ căn bệnh thành tích. BĐ Ai Tran Van cho biết: "Là căn bệnh thành tích, vậy thôi. Thời tôi đi học, HS giỏi văn cũng chỉ cao lắm 8 điểm là xuất sắc. Văn mà điểm 10 thì đúng là "tấu hài". Thời tôi cứ bài văn có 1 câu "chép" ở sách là bị trừ 1 điểm".

Cùng quan điểm, BĐ Ngoc Bau Vien nhận định: "Đúng là bệnh thành tích. Nhưng nếu không có ai ép thì GV chấm bài cho điểm sẽ khác. Bạn nhớ lại những năm ở thế kỷ trước, phổ điểm môn văn luôn thấp hơn môn toán nhiều… Bây giờ gần như đã đến trường là phải đạt yêu cầu 100%. Thời bạn học còn đỡ, thời chúng tôi học được 14/20 (7/10) điểm là bài làm văn ghê gớm lắm, hiếm khi có HS đạt được".

Nói về việc những bài văn "đúc khuôn", BĐ Quang Nguyen Thai bức xúc: "Lớp có 46 con chó nhân bản vô tính giống đốm đuôi, đốm đầu và đều nhảy cẫng khi chủ về và ông em đến chơi".

BĐ có nickname Grou-Ben kể: "Từ cấp 1 đến lớp 8, điểm văn của tôi khá tốt, có những bài được cô khen thông minh sáng tạo, có bài được 8 điểm và giữ lại trường. Lên năm lớp 9, GV chủ nhiệm bắt tôi học phụ đạo văn khi tôi đang học chuyên lý và nhận xét bài làm của tôi về bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận là: Em mở bài hay nhưng sẽ không được điểm khi thi vì em thiếu giới thiệu quê quán của tác giả. Cô in cuốn đề cương văn cho cả lớp học thuộc các dàn ý và ngày nào HS cũng phải trả bài, thuộc mới được về. Đến lúc thi tôi cứ viết y chang cái dàn ý cô cho chứ trong đầu không thể suy nghĩ gì được vì quá thuộc lòng và nghĩ chắc mình tiêu môn văn rồi, vì cả khối ai chẳng học y chang từ đây ra. Nhưng không, năm ấy tôi tốt nghiệp loại giỏi với 8 điểm môn văn. Nên giờ nạn chép văn như báo nói, tôi thấy rất là bình thường".

Cần xem lại cách chấm điểm môn văn

Làm sao để HS có tư duy phản biện, có năng lực sáng tạo, kỹ năng tự học… ngay từ khi còn ở phổ thông là mong muốn của nhiều người, nhiều phụ huynh, BĐ. Nhiều BĐ cho rằng nguồn gốc của 2 bài văn "đúc khuôn" trên là tình trạng biến tướng dạy thêm. BĐ Binh Nguyễn thẳng thắn: "Học thêm mà làm bài giúp HS, giết đi tính độc lập, tự chủ, tư duy, sáng tạo, chết chỗ đó!".

Cùng quan điểm, BĐ toanmd79 cho rằng: "Dạy thêm thì phải đúng nghĩa là mang lại kiến thức cho HS, chứ dạy thêm - học thêm bây giờ mang tính thương mại nhiều quá...".

Mặt khác, BĐ Xoibap999 cho rằng: "Vấn đề không phải ở dạy thêm. Con học yếu hoặc muốn con giỏi hơn thì phụ huynh có nhu cầu cho con học phụ đạo. Cái sai thứ nhất là ở chỗ HS "đạo" văn mẫu, cái sai thứ hai là bệnh thành tích, GV không chấm điểm đúng với năng lực HS… Việc biên soạn sách giáo khoa còn thiếu liên kết các môn với nhau".

Cùng nói về việc chấm điểm, BĐ Tu Linh cho rằng: "Môn văn đòi hỏi sự cảm nhận, khả năng thấu cảm và ý tưởng mà chấm điểm rập khuôn thì giết chết khả năng sáng tạo là điều tất nhiên. Các bác trên Bộ GD-ĐT nên xem lại cách chấm điểm môn văn thì sẽ không có tình trạng "học thuộc lòng" văn mẫu".

* Thật ra tôi thấy có một số ít GV dạy văn không có tầm, chỉ biết dựa vào sườn của những bài văn mẫu, dạy sơ sài rồi cho đề các em về nhà tự làm. Không biết dạy như thế thì có được bao nhiêu em tư duy, sáng tạo trong văn học?

Phuongthanhly1977

* Bản chất việc dạy thêm, học thêm chẳng có gì sai cả... Có xấu hay không là do tâm của người dạy!

Thanh Trần Tấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.