Có một sự trùng hợp không mấy vui: Ngay trước thời điểm Trung tâm hành động bom mìn quốc gia tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020 và định hướng nhiệm vụ giai đoạn tới năm 2025 (tổ chức sáng 17.2), thì chiều 16.2 một tiếng nổ chát chúa phát ra ở miền quê nghèo Quảng Trị, tước đi mạng sống của một con người.
Nạn nhân là người đàn ông 42 tuổi, lao động chính trong gia đình ở xã Cam Nghĩa (H.Cam Lộ). Bước đầu, xác định vật liệu nổ gây ra vụ tai nạn là đạn cối 81.
Đáng buồn thay, sau gần 5 năm yên bình, Quảng Trị lại ghi nhận một vụ tai nạn bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, có người tử vong.
Những năm qua, rất nhiều tổ chức trong và ngoài nước nỗ lực tìm kiếm, hủy nổ vật liệu nổ sau chiến tranh ở Việt Nam |
NGUYỄN PHÚC |
Quay trở lại hội nghị nêu trên, thông tin từ ban tổ chức cho biết trong hơn 10 năm qua Việt Nam đã khảo sát và rà phá được gần 500.000 ha đất đai ô nhiễm và phá hủy được hàng trăm nghìn quả bom mìn, vật nổ. Đó là con số đáng ghi nhận. Nhưng hiện nay, diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn tại Việt Nam vẫn còn rất lớn (khoảng 5 triệu ha, chiếm hơn 17% diện tích đất đai cả nước). Chưa kể, khối lượng công việc nhiều, phức tạp, yêu cầu cao nhưng thời gian có hạn, nguồn lực khắc phục hậu quả bom mìn còn hạn chế.
Nhìn nhận bom mìn sau chiến tranh là vấn đề nhức nhối của đất nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các cấp, ngành cũng như đối tác quốc tế chung tay nỗ lực đưa Việt Nam sớm thoát khỏi ảnh hưởng nặng nề của bom mìn sau chiến tranh.
Để mong muốn của Thủ tướng sớm thành sự thật, cần rất nhiều sự hợp tác của người dân sống ở khu vực ô nhiễm bom mìn. Mà đơn giản nhất là khi phát hiện bom mìn, người dân cần báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm để xử lý an toàn, thay vì làm những điều có thể khiến mạng sống của họ nguy hiểm.
Bình luận (0)