Để không ỷ lại khi học bán trú

13/09/2012 03:05 GMT+7

Nếu ở mầm non trẻ luôn được các cô rèn kỹ năng tự phục vụ thì từ tiểu học trở lên những điều này lại không có cơ hội áp dụng vì học sinh, đặc biệt ở bán trú, luôn có người phục vụ cho mình.

Bảo mẫu làm từ A đến Z

10 giờ trưa, bảo mẫu và nhân viên phục vụ của Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4, TP.HCM) đã kê sẵn bàn ghế và bày biện bữa ăn cho học sinh (HS) tại khu vực ăn uống và hành lang dãy phòng học. Riêng HS khối lớp 1, do thiếu chỗ, ăn ngay trong lớp. Chuông vừa reo, HS túa ra các bồn rửa tay sau đó ngồi vào bàn với khay thức ăn đã được dọn sẵn.

Cũng vào giờ đó, khi HS còn đang trong lớp thì cấp dưỡng của Trường tiểu học Kim Đồng (Q.Gò Vấp) đi chia thức ăn vào từng khay trên các bàn được kê sẵn. Hết giờ học, tất cả sẵn sàng, HS chỉ có mỗi nhiệm vụ rửa tay và ăn cơm trưa.

Không chỉ ở bậc tiểu học mà ngay ở bậc THCS, THPT, HS cũng được nhà trường phục vụ từ A đến Z.

Cuối một giờ học buổi sáng tại Trường THPT dân lập Đăng Khoa (Q.Phú Nhuận), những bàn ăn đã được sắp xếp, trên bàn đặt sẵn chén, đũa, muỗng, khăn giấy, trái cây. Hết giờ, HS từ lớp 10 đến 12 lững thững đến ngồi vào bàn ăn và các cô cấp dưỡng bưng cơm, thức ăn đến từng bàn. Ở Trường THCS Kim Đồng (Q.5), hằng ngày bữa trưa của gần 500 HS được bảo mẫu và nhân viên của đơn vị cung cấp suất ăn chuẩn bị. Khoảng 10 giờ các nhân viên sắp xếp bàn ghế và bày sẵn các suất ăn trên bàn. Sau khi ăn xong, các nhân viên này dọn khay đồ ăn và tô đựng canh.

Phần lớn ở nhiều trường, khi ăn xong, HS không hề phải làm bất cứ một việc nào mà chỉ ra uống nước để chuẩn bị đến giờ ngủ trưa. Mọi việc thu dọn khay ăn, bàn ghế một tay bảo mẫu lo.

Ông Lê Ngọc Điệp - Trưởng phòng GD Tiểu học - Sở GD-ĐT TP.HCM, từng phải thốt lên trong một buổi hội thảo bàn về mô hình bán trú trong trường học: “Có lẽ không nơi nào trên thế giới học trò sướng như ở VN. Sáng cha mẹ đưa đi học rồi ăn, ngủ không phải động tay vào bất cứ việc gì”.

Tập cho trẻ mầm non, rồi thôi

Trong khi đó, ngay ở bậc mầm non, tùy từng lứa tuổi, trẻ được tập dần những kỹ năng tự phục vụ.

Đến giờ ăn, HS Trường mầm non 9 (Q.5) cùng cô xếp bàn ghế, lấy khăn ăn, yếm ăn. Khi ăn xong, trẻ được hướng dẫn tự biết để chén và muỗng vào khay quy định và xếp ghế lại gọn gàng. Còn Trường mầm non Trí Đức (Q.Tân Phú) tổ chức bữa ăn hằng ngày theo hình thức tự chọn. HS được chọn và lấy đồ ăn theo sở thích, nhu cầu nên có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình, không để đồ ăn dư.

Trước thực trạng HS bán trú ở các bậc học khác không tự phục vụ ngay cả bữa ăn của mình khiến bà Trương Thị Việt Liên - Phó phòng GD mầm non của Sở, tỏ ra lo lắng vì sẽ làm hỏng quá trình rèn luyện tính tự lập của HS đã được chuẩn bị ở bậc mầm non. Ông Lê Ngọc Điệp cũng lo ngại: “Sự phục vụ tận nơi này sẽ ảnh hưởng đến tính tự lập của học trò, các em ỷ lại dẫn đến thụ động trong cuộc sống”.

Tận dụng mọi cơ hội giáo dục HS

Theo thống kê của Sở GD-ĐT thì TP.HCM hiện có hơn 600 trường tiểu học, THCS, THPT có tổ chức mô hình bán trú, tức có khoảng hơn 200.000 HS được phục vụ bữa ăn trưa ở trường.

Dẫn đến thực tế vừa nêu, hiệu trưởng một số trường cho biết: “Các trường không có khu vực dành riêng cho bán trú mà chủ yếu tận dụng cơ sở sẵn có như hành làng, nhà để xe, sân trường… Có trường không thể tổ chức được bếp ăn mà phải đặt suất ăn công nghiệp. Từ chỗ phải tận dụng diện tích dẫn đến tận dụng thời gian”. Bảo mẫu của một trường tiểu học tại Q.3 giải thích thêm: “Khi các em gần hết tiết học là chúng tôi phải chuẩn bị chỗ ăn uống chứ chờ các em ra phụ thì nhốn nháo lắm, biết khi nào mới xong”.

Còn nguyên Trưởng phòng GD của Q.Tân Bình lý giải: “Hướng dẫn trẻ kỹ năng tự phục vụ nằm trong chương trình giáo dục của bậc mầm non. Còn ở bậc tiểu học thì đã qua giai đoạn này rồi, HS học kiến thức là chính và bảo mẫu thì chỉ chú ý đến làm sao cho nhanh, gọn. Bên cạnh đó, bán trú là mô hình tự phát nên không có những điều lệ, quy định và yêu cầu cụ thể, chủ yếu được hoàn thiện dần trong quá trình thực hiện. Do vậy mà sự quan tâm của lãnh đạo nhà trường là điều kiện quyết định đến sự phát triển của trẻ về mọi mặt”.

Tuy nhiên, để không làm hư học trò, bà Lê Thị Kim n - Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Bình Trọng (Q.5), thường xuyên nhắc nhớ bảo mẫu, cấp dưỡng: “Những việc các em có thể làm thì không được làm thay như ăn xong dọn khay để vào đúng chỗ, biết phân loại thức ăn thừa”. Bà Phạm Thúy Hà - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4), cũng khuyến khích bảo mẫu, giáo viên hãy tận dụng mọi cơ hội để rèn cho HS tính tự lập như phân loại tô chén, dọn bàn ghế sau khi ăn xong.

Bích Thanh

>> Trẻ 5 tuổi được hỗ trợ ăn trưa 120.000 đồng/tháng
>> Gần 200 công nhân bị ngộ độc sau khi ăn trưa
>> Bữa ăn trưa trị giá... 620.100 USD
>> 25.000 USD cho một bữa ăn trưa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.