Để kiến trúc Phật giáo Việt Nam không 'bước hụt'

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
16/04/2023 07:30 GMT+7

Kiến trúc Phật giáo Việt Nam giá trị thế nào, những "bước hụt" khi bỏ lỡ cơ hội kế thừa kiến trúc, đó là nội dung được nói đến nhiều trong hội thảo Kiến trúc Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng diễn ra ngày 15.4, tại Hà Nội.

Hình dung về lịch sử Phật giáo Việt Nam

PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, đã phác dựng tiến trình kiến trúc Phật giáo Việt Nam từ những kinh nghiệm khảo cổ học của mình. Ông Tín cũng công bố tiến trình này tại Hội thảo kiến trúc Phật giáo Việt Nam.

Để kiến trúc Phật giáo Việt Nam không 'bước hụt'  - Ảnh 1.

Chùa Đồng (tỉnh Quảng Ninh)

V.T

Theo đó, từ góc độ khảo cổ học, chùa tháp Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn đầu tiên hiện chưa rõ mà phải chờ khảo cổ học nghiên cứu lâu dài trong tương lai. Tuy nhiên, với các nghiên cứu đã có, ông Tín cho rằng, cấu trúc những ngôi chùa Việt đầu tiên khá đơn giản và rất ít tượng Phật. Đó là chùa có một mặt bằng chùa chính hình vuông hoặc gần hình vuông để thờ một tượng Phật chủ và có một số kiến trúc phụ trợ đi theo.

Ông Tín cũng nhắc đến các kiến trúc Phật giáo tiêu biểu qua nhiều thời kỳ. Đó là hàng chục cột kinh tràng Phật đỉnh tôn thắng Đà la ni ở Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình), cột kinh Lăng Nghiêm thời Lê Đại Hành dựng năm 995 tại chùa Một Cột (Hà Nội) trong thời kỳ Đinh - Tiền Lê (thế kỷ 10). Thời Lý được nhắc tới với sự thịnh đạt của chùa tháp Phật giáo như chùa Vĩnh Phúc, chùa Phật Tích, chùa Dạm (tỉnh Bắc Ninh), chùa Long Đọi (tỉnh Hà Nam)... Thời Trần cũng là thời kỳ thịnh đạt của chùa tháp, khi Phật giáo phát triển ở tầm cao mới: xây dựng thành công Thiền phái Trúc Lâm của Việt Nam… "2.000 năm kiến trúc Phật giáo là một tấm gương phản chiếu lịch sử văn hóa - văn minh Việt Nam; 2.000 năm kiến trúc chùa tháp Việt Nam là một kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc", ông Tín nói.

Nhưng không chỉ có thành tựu, kiến trúc Phật giáo hiện nay cũng đang đối diện với những vấn đề phát triển và đôi khi có nguy cơ "bước hụt".

Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hóa T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho rằng khi mở cửa hội nhập quốc tế, tín ngưỡng Phật giáo thu hút tín đồ Phật tử ngày càng tăng; sự thay đổi công năng của công trình kiến trúc Phật giáo cũng diễn ra nhanh chóng. Có công trình kiến trúc Phật giáo được mở rộng công năng bài bản, giữ được đặc trưng kiến trúc, bản sắc nhưng cũng có công trình khi mở rộng đã gây xung đột, "cưỡng bức" di tích cũ, làm giảm hoặc mất hẳn giá trị kiến trúc truyền thống, thậm chí còn phản cảm, làm mất tính tôn nghiêm.

Cũng theo hòa thượng Thích Thọ Lạc, thời kỳ Phật giáo phát triển hưng thịnh như thời Lý, Trần (thế kỷ 11 - 14), các biểu tượng Phật giáo cũng vô cùng phong phú tạo thành khối di sản Phật giáo. Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, những biểu tượng Phật giáo dần vắng bóng, dẫn đến việc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ nước ngoài, đặc biệt là từ Đài Loan (Trung Quốc) rất phổ biến. "Như vậy, vô hình trung chúng ta không chỉ là nhân tố tích cực truyền bá văn hóa nước ngoài mà còn làm mất cơ hội cho nỗ lực kế thừa, phát huy văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc", hòa thượng Thích Thọ Lạc phân tích.

Để kiến trúc Phật giáo Việt Nam không 'bước hụt'  - Ảnh 2.

Hình ảnh phỏng dựng chùa Diên Hựu thời Lý

TL CỦA PGS-TS TRẦN TRỌNG DƯƠNG

Giữ đặc trưng, sáng tạo giá trị mới

Hòa thượng Thích Thọ Lạc cũng nói đến việc làm sao để bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc Phật giáo Việt Nam và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới. Theo đó, cần loại bỏ những yếu tố phản văn hóa, không đúng, lệch chuẩn, không tạo nên giá trị văn hóa, thậm chí là làm giảm giá trị vốn có của kiến trúc Phật giáo Việt Nam; bảo tồn và phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống Phật giáo Việt Nam phải đồng thời với sáng tạo những giá trị văn hóa mới.

TS Tạ Quốc Khánh, Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT-DL), nói đến việc khuyến khích sử dụng vật liệu truyền thống, vật liệu địa phương khi xây dựng công trình kiến trúc Phật giáo thời kỳ tới, tránh nhập vật liệu tràn lan từ bên ngoài vừa xa lạ, vừa lãng phí. Ông cũng nói đến việc xây dựng ngân hàng dữ liệu về kiến trúc và điêu khắc trang trí truyền thống. "Khi đã điều tra và có nguồn dữ liệu ổn định thì việc xây mới các công trình nên khuyến khích sử dụng các mẫu mã hoa văn truyền thống đó. Điều này vừa góp phần gìn giữ tinh hoa, giá trị truyền thống, vừa tạo nên nét riêng trong kiến trúc ngôi chùa Việt",

GS-TS-KTS Nguyễn Quốc Thông, nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đề xuất: "Xây dựng các nguyên tắc thiết kế chùa (dưới dạng sổ tay hướng dẫn) để định hướng thiết kế và xây dựng chùa. Các nguyên tắc đảm bảo nhu cầu hoạt động Phật giáo đương đại của từng hệ phái, phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặc điểm văn hóa địa phương, vùng miền, đồng thời khuyến khích sáng tạo để tạo nên sự đa dạng của kiến trúc các hệ phái theo hướng hiện đại và bản sắc. Tiếp tục nghiên cứu thiết kế hoặc tổ chức thi để có biểu tượng nhận diện chung (trụ kinh và logo) thể hiện sự thống nhất trong kiến trúc chùa Việt Nam. Tiến tới kiến nghị quy chuẩn thiết kế bảo tồn, tôn tạo và xây dựng mới chùa Việt trong sự kết hợp với các cơ quan của nhà nước".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.