Để lạ sớm thành quen

02/04/2023 05:47 GMT+7

Sau một sự kiện "lạ" như ngày hội Game Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức ở TP.HCM, liệu có điều gì đáng suy ngẫm về việc tạo cơ hội cho cái 'lạ' trở thành quen thuộc trong đời sống xã hội Việt Nam.

Dân gian đã dọn sẵn đường tâm thức rồi, rằng "trước lạ sau quen". Ý là khi chọn cái tâm thế gật hay lắc trước một cái lạ mới xuất hiện thì cũng nên nghĩ xa hơn một chút, nghĩ về một ngày cái lạ trở thành quen thuộc. Khi ấy nhìn lại cái lắc đầu từ chối đón nhận cái lạ ngày nào rất có thể sẽ gây ra cảm giác tiếc nuối kiểu: Sao ngày ấy không chấp nhận sớm điều này.

Hàm chứa trong những điều được xã hội nhìn nhận là "cái lạ", "cái chưa từng có tiền lệ" thường là cái mới, là xu thế mới, là quy luật mới không còn có thể cưỡng lại bằng ý chí. Trong trường hợp đó, thiếu nhạy bén để đón nhận "cái lạ" sẽ đồng nghĩa với sự tụt hậu, lạc điệu so với thời cuộc.

Nhất là trong lĩnh vực kinh tế số hiện nay. Sẽ còn xuất hiện ngày càng nhiều những điều mới lạ chưa từng có trong tập tục, trong quản lý xã hội, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hồi dịch vụ xe công nghệ như Uber, Grab mới xuất hiện ở Việt Nam, thiếu gì những biểu hiện phản ánh tâm thế không sẵn sàng tiếp nhận. Giới chạy xe dịch vụ thì nhiều người vẫn khư khư không mạnh dạn cài app, chuyển đổi mình thành "bác tài công nghệ". Các hãng taxi thì tuyên chiến với các hãng xe công nghệ theo kiểu kiện tụng. Còn nhà quản lý thì vẫn treo lơ lửng kịch bản "thử nghiệm" mô hình.

Rồi nhiều lĩnh vực khác nữa, cũng cho thấy không ít trường hợp "cái lạ" bị kỳ thị, bị phán xét đến mức khắc nghiệt. Đấu giá biển số đẹp thì sao? Sao không mạnh dạn khai thác cơ hội tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước thông qua những cơ chế ngoài cơ chế thu thuế, phí? Tổ chức dịch vụ casino phục vụ nhu cầu của du khách thì sao? Sao cứ phải "nâng lên, hạ xuống" chủ trương cho phép triển khai kinh doanh casino trong ngành du lịch?...

Trở lại với chuyện tổ chức ngày hội Game Việt Nam. Sao cứ nghe chuyện game thì lại nghĩ ngay đến khía cạnh tác động tiêu cực, đến mặt trái của loại hình hoạt động giải trí này mà không mạnh dạn tiếp cận bằng tư duy mới hơn. Doanh thu của ngành công nghiệp game trên toàn thế giới đã đạt mức trên 200 tỉ USD từ năm 2021, và sẽ tiếp tục tăng trưởng. Việt Nam có triển vọng gì nếu tham gia sân chơi kinh tế này không? Esports (thể thao điện tử) cũng là lĩnh vực đang phát triển rất mạnh. Các giải đấu esports đã thu hút hàng triệu người xem trực tuyến và đang trở thành một ngành công nghiệp có giá trị kinh tế lớn. Nhìn vào danh sách các thể loại game hiện nay, sẽ thấy game đâu chỉ là chuyện giải trí thuần túy, mà còn là một kênh học tập, kinh doanh nữa.

Đương nhiên, không phải tất cả "cái lạ" xuất hiện đều sẽ là cái mới đáng để đón nhận. Sự chọn lọc luôn là cần thiết. Nhưng đừng để sự chọn lọc trở nên khắc nghiệt tới mức biến thành trở lực ngăn cản tâm thế mở cửa đón nhận, học hỏi, tiến bộ, hợp quy luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.