Để làm bài nghị luận xã hội đạt điểm cao

17/04/2012 03:26 GMT+7

Bắt đầu từ năm 2009, Bộ GD-ĐT đã có sự đổi mới trong việc ra đề thi môn ngữ văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH-CĐ bằng việc đưa vào một câu nghị luận xã hội. Nhưng thí sinh làm tốt câu này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Triệt tiêu văn mẫu

PGS-TS Trần Hữu Tá - Phó chủ tịch Hội Nghiên cứu - Giảng dạy văn học TP.HCM, nhận định: “Đề văn nghị luận xã hội đề cập đến những vấn đề thiết cốt, mang tính thời sự, thu hút sự quan tâm của xã hội trong mà trong đó giới trẻ không thể bàng quan. Có nhiều chuyện về đạo đức, pháp luật, ứng xử… đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức và nhận định để trình bày quan điểm của mình. Do đó, bài văn mẫu sẽ không có đất sống, cách học thuộc bài, học theo lối mòn sẽ không phát huy được tác dụng”.

 
Chấm thi môn văn trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011 tại Trường ĐH Sài Gòn
- Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Năm 2009, đề thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn có câu “Anh/chị hãy viết một bài văn ngắn (không quá 400 từ) phát biểu ý kiến về tác dụng của việc đọc sách” hay đề thi năm 2010 “Hãy viết một bài văn ngắn khoảng 400 từ trình bày suy nghĩ của anh chị về lòng yêu thương con người của tuổi trẻ trong xã hội ngày nay”, là những vấn đề tương đối nhẹ nhàng. Đề thi môn văn của bậc ĐH thường đề cập tới những quan niệm phức tạp hơn, đòi hỏi kiến thức và tư duy nhiều hơn. “Đạo đức giả là một căn bệnh chết người luôn nấp sau bộ mặt hào nhoáng”. Từ ý kiến trên anh chị hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về sự nguy hại của đạo đức giả đối với con người và cuộc sống” hay “Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích” - Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên”… là những câu khiến nhiều thí sinh phải cắn bút.

Mới đây nhất, đề thi tuyển sinh môn viết luận năm 2012 của trường ĐH FPT cũng đã gây xôn xao dư luận vì mức độ táo bạo và nhạy cảm của nó, khi yêu cầu thí sinh trình bày quan điểm về trinh tiết - tình dục trước hôn nhân, đang là một vấn đề thời sự nóng bỏng trong xã hội.

Ông Nguyễn Xuân Phong - Phó hiệu trưởng Trường ĐH FPT, cho rằng: “Chúng tôi ra đề thi như vậy nhằm đánh giá khả năng tư duy, trình bày ý kiến một cách rõ ràng, lô gích và có sức thuyết phục của thí sinh. Đề mở sẽ rất dễ làm và thoải mái đối với những thí sinh quen với việc tư duy độc lập, có chính kiến và chủ động trong cuộc sống. Nhưng nó sẽ khó hơn với những thí sinh quen làm theo khuôn mẫu hay học vẹt”.

Tích lũy kiến thức xã hội

PGS-TS Đoàn Lê Giang - Trưởng khoa Văn học và ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng nhận định: “Số thí sinh làm bài tốt ở câu nghị luận xã hội không nhiều. Vì tại trường phổ thông, các em còn quá lệ thuộc vào cách học khuôn mẫu, thiếu tư duy sáng tạo. Để đạt điểm cao, ngoài kiến thức văn học, văn hóa được học tại trường phổ thông, các em phải có hiểu biết về xã hội. Một điều quan trọng nữa là các em phải có kỹ năng làm bài, trình bày thế nào để thể hiện được quan điểm cá nhân mà lại hợp lý”.

Tiến sĩ văn học Nguyễn Ngọc Quận - Phó trưởng khoa Văn học và ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, lưu ý thêm, thí sinh có thể trình bày quan điểm cá nhân một cách thoải mái, có thể ủng hộ hay phản đối một quan niệm nào đó song phải có khả năng lập luận sắc bén và cách hành văn trôi chảy, có sức thuyết phục. “Chúng tôi chấm thi có bám vào đáp án, tuy nhiên không quá máy móc mà vẫn khuyến khích những ý tưởng mang tính sáng tạo” - ông cho biết.

Đề văn đổi mới đặt ra một vấn đề: cách dạy và học ở trường phổ thông cũng phải đổi mới. “Bắt đầu một giờ học, giáo viên có thể chia sẻ với học sinh những thông tin nóng hổi trên báo chí rồi cùng thảo luận nhanh để các em bày tỏ quan điểm. Thư viện nên khuyến khích học sinh đọc sách bằng cách mỗi tháng giới thiệu một vài cuốn sách hay. Chương trình phát thanh giữa giờ nên thông tin cho các em về những vấn đề đang được xã hội quan tâm... Vốn hiểu biết của học sinh sẽ được nâng lên bằng nhiều cách và như vậy các em khi đi thi có thể đáp ứng dễ dàng mọi loại đề, mọi dạng đề, sẽ bớt đi những bài văn ngây ngô” - PGS-TS Trần Hữu Tá gợi ý.

Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.