Để làm bài thi tốt nghiệp THPT đạt hiệu quả

Bích Thanh
Bích Thanh
17/06/2022 07:15 GMT+7

Những giáo viên giàu kinh nghiệm đã hướng dẫn thí sinh kỹ năng làm bài thi tốt nghiệp THPT đạt điểm cao trong chương trình tư vấn trực tuyến Tiếp sức mùa thi 2022: Ôn thi nước rút: Kỹ năng làm bài thi tốt nghiệp THPT.

Buổi tư vấn trực tuyến chương trình Tiếp sức mùa thi do Bộ GD-ĐT, Hội Sinh viên Việt Nam, Báo Thanh Niên và Tập đoàn Thiên Long tổ chức vào ngày 16.6, phát sóng trên các kênh thanhnien.vn, Fanpage Facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.

Các giáo viên tham gia chương trình chia sẻ những kỹ năng, lời khuyên cần thiết cho thí sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT

đào ngọc thạch

Không nên nghe đồn đoán mà “học tủ”

Dù đã chuẩn bị kiến thức kỹ lưỡng đến đâu thì chắc chắn thí sinh (TS) không tránh khỏi những hồi hộp thậm chí mất bình tĩnh khi bước vào phòng thi. Đặc biệt, với môn ngữ văn, môn thi đầu tiên của kỳ thi, theo giáo viên Đỗ Đức Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), nếu thiếu đi sự bình tĩnh thì TS không thể xử lý tốt các yêu cầu và hơn thế nữa sẽ khó có sự thăng hoa trong bài viết.

Vì thế sự bình tĩnh rất quan trọng. “Bắt nguồn từ sự ôn tập kỹ lưỡng và đặc biệt trong giai đoạn nước rút này, nếu ôn tập kỹ, trang bị “vũ khí” đầy đủ thì bước ra “chiến trường” sẽ yên tâm hơn”, giáo viên Đức Anh nhận định.

Giáo viên của Trường THPT Bùi Thị Xuân chia sẻ: “Rất mong TS không chỉ trông chờ may mắn mà hãy nỗ lực hết mình trong giai đoạn này. Không nên nghe đồn đoán mà học tác phẩm này, bỏ tác phẩm kia vì chúng ta đã có 12 năm đèn sách thì đừng trông chờ vào sự may rủi mà hãy dựa vào thực lực của chính bản thân. Những TS chuẩn bị dày công, chăm chỉ thì sẽ đạt kết quả tốt thôi”.

Còn với thầy Trần Văn Toàn, tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie (Q.3), những cảm xúc tiêu cực, tùy vào tâm lý của từng TS, có thể ảnh hưởng ít, nhiều đến hiệu quả làm bài thi. Vì vậy để khống chế sự lo âu, mất bình tĩnh, trước hết TS nên chuẩn bị và kiểm tra kỹ các dụng cụ học tập, các loại giấy tờ tùy thân. Thậm chí xem máy tính còn pin hay không, nếu đang làm bài mà hết pin thì dễ dẫn đến rối loạn, hoảng hốt.

Giáo viên Trần Văn Toàn nhấn mạnh: “Học là cả một quá trình, sát ngày thi, giờ thi đừng cố nhồi nhét kiến thức mà nên thực hiện 3 sớm: Ngủ sớm, dậy sớm và đến phòng thi sớm, tuy nhiên không nên đến sớm quá nhiều khiến phải chờ đợi quá lâu. Khi trong phòng thi, đừng nên quan tâm đến tốc độ làm bài của người khác mà hãy tập trung cho bài làm của mình. Chính sự tập trung sẽ giúp các em quên đi nỗi sợ”.

Những “câu thần chú” trong phòng thi

Tương tự với môn tiếng Anh, giáo viên Ngô Minh Huy, Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1), cho hay để tránh những diễn biến tâm lý không đáng có khiến ảnh hưởng đến việc làm bài thi, trước ngày thi TS nên chú ý chuẩn bị bút chì, tẩy chì đúng chuẩn. Sở dĩ thầy Huy nhắc nhở điều này vì trong những năm vừa qua, khi tham gia chấm thi thầy nhận thấy có TS sử dụng bút chì không đúng chuẩn nên tô khá mờ, không nhận diện được câu trả lời. Hay có TS quên không phiên đáp án vào phiếu trả lời hoặc tô lệch đáp án so với bài nháp…

Thêm vào đó, giáo viên của Trường THPT Lương Thế Vinh còn cho biết, có một số TS sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tốt nghiệp nên khá chủ quan khi làm bài thi. Trong khi kết quả bài thi này còn được sử dụng để xét tuyển ĐH. Thầy Huy lưu ý những năm gần đây hướng ra đề của Bộ GD-ĐT thường nhấn mạnh vào từ vựng và kỹ năng sử dụng từ vựng nên nếu TS không thận trọng thì chỉ cần một thay đổi nhỏ trong lựa chọn đáp án cũng khiến TS phải “trả giá”.

Và để vượt qua bài thi một cách nhẹ nhàng, thầy Ngô Minh Huy còn đưa ra một số câu “câu thần chú” với môn tiếng Anh như: “Đáp án luôn luôn xuất hiện trong đề”, hay “Gặp những câu đơn giản bao nhiêu thì hãy cảnh giác và suy nghĩ phức tạp bấy nhiêu” và ngược lại “Những câu phức tạp thì hãy suy nghĩ đơn giản thì đáp án sẽ xuất hiện”...

Học sinh lớp 12 ráo riết ôn tập chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT

đào ngọc thạch

Ứng biến với đề thi ra sao ?

Vào phòng thi, nhận đề thi, ứng biến ra sao để bài thi đạt hiệu quả cao nhất còn là bí kíp riêng của từng môn thi.

Với môn ngữ văn, thầy Đức Anh hướng dẫn căn cứ theo phổ điểm để phân chia thời gian một phù hợp nhất. Trước hết dành từ 15 - 20 phút cho phần đọc, hiểu; sau đó là 20 - 25 phút tiếp theo cho phần nghị luận xã hội và từ 70 - 80 phút cho câu nghị luận văn học.

Thầy Đức Anh cho biết bài thi môn văn hay bị rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột” do TS không phân bổ thời gian hợp lý, “tung tẩy” suy nghĩ ở phần đầu nên đoạn cuối phân tích hoặc cảm nhận qua loa. Thậm chí có TS khi không còn đủ thời gian thì “chữa cháy” kết bài như “đây là một tác phẩm tuyệt vời”… Kết luận kiểu này không đáp ứng yêu cầu của bài thi và không gây ấn tượng với giám khảo.

Đặc biệt, giáo viên Đức Anh nhắc nhở: “Giám khảo chấm bài ngữ văn vẫn có yếu tố cảm tình với những bài viết sạch sẽ, rõ ràng, trình bày khoa học”.

Ngược lại, theo giáo viên Trần Văn Toàn, với môn toán, môn thi thực hiện theo hình thức trắc nghiệm, 50 câu hỏi trải dài các trang giấy nên nếu đọc hết một lượt sẽ gây hoang mang vì vậy TS nên làm đến đâu đọc đề đến đó.

Thầy Toàn cho rằng đề thi trắc nghiệm môn toán phân bổ rất rõ các câu từ dễ đến khó. Trong đó có 38 câu đầu tiên rất dễ, TS làm lần lượt từ câu 1 - 38 với tâm trạng thoải mái. Với TS có học lực từ trung bình trở lên thì làm khoảng 20 phút là đạt khoảng 6, 7 điểm. Sau 20 phút đầu cho phần câu hỏi dễ, TS sẽ có tâm lý tự tin dành thời gian còn lại thể giải quyết một cách nhẹ nhàng những câu khó vận dụng thấp, vận dụng cao.

Thí sinh cần lưu ý gì trong giai đoạn nước rút ôn môn văn ?

Trong thời gian ngắn còn lại trước ngày thi, thầy Đỗ Đức Anh đã đưa ra một số lời khuyên ôn tập môn ngữ văn đó là:

- Luyện viết: Khi làm nhiều đề thi, TS sẽ rèn luyện viết tốc độ cao trong phòng thi và giúp không mỏi tay khi tiếp cận bài làm trong thực tế.

- Hãy dành thời gian còn lại để đọc tài liệu, đọc thẩm thấu, nhập tâm để nhớ lâu một tác phẩm.

- Ngủ sớm và dậy sớm, chọn khung giờ phù hợp từ 5 - 6 giờ sáng để học cho dễ nhớ.

- Viết ra những kiến thức, những nội dung chưa thật sự chắc chắn và dán ở bất cứ mọi nơi, để có thể “va” vào kiến thức một cách tự nhiên.

- Khi căng thẳng thì TS gấp sách lại, chơi thể thao, đi bộ, nghe nhạc để tinh thần thoải mái. Bổ sung vitamin cho cơ thể khỏe mạnh và vitamin tích cực cho tinh thần.

Tương tự với đề thi môn ngoại ngữ, bám sát cấu trúc đề minh họa của Bộ GD-ĐT, giáo viên Ngô Minh Huy cho lời khuyên: “Từ câu 1 - 25 dường như là “đất diễn” dành cho học sinh có học lực trung bình, khá. TS dễ dàng vượt qua những kiến thức cơ bản, thông hiểu, nhận biết về phát âm, dấu nhấn, từ đồng nghĩa, trái nghĩa…”.

Cũng theo thầy Huy, TS đừng đọc một lượt đề vì có thể sẽ hoảng. TS hãy kiểm tra các trang đề xem có đủ câu đủ chữ, bị in mờ hay không và chờ hiệu lệnh làm bài. Khi làm bài thì tuyệt đối không dịch sang nghĩa tiếng Việt vì có thể làm sai ngữ cảnh mà nên tìm ra từ khóa của nội dung để chọn đáp án.

Các khách mời tham gia chương trình tư vấn kỹ năng làm bài thi tốt nghiệp THPT đều chung nhận định trong kỳ thi có vô vàn những tình huống bất ngờ. Thế nên trong khi thi, TS chỉ cần tập trung làm bài còn mọi việc khác đều có thể xử lý được. “Các giám khảo sẽ đặt quyền lợi của TS lên trên hết. Vì thế TS hãy giữ tinh thần của chiến binh, mạnh mẽ và tự tin”, thầy Đức Anh động viên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.