Để Long An trở thành trung tâm phát triển kinh tế công nghệ cao tầm khu vực

20/04/2021 11:08 GMT+7

Tọa đàm 'Định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao' được UBND tỉnh Long An chủ trì tổ chức ngày 19.4 là tiền đề để Long An từng bước trở thành trung tâm phát triển kinh tế công nghệ cao mang tầm cỡ khu vực.

Đây là bước ngoặt quan trọng trong việc kết nối, thu hút các nhà đầu tư “đại bàng” trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông tài chính lớn trên thế giới.

Nhiều lợi thế

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn đầu tư Sài Gòn (Saigon Invest Group), đơn vị đối tác quan trọng trong thu hút đầu tư và hoạch định chiến lược phát triển của tỉnh Long An, cho rằng việc hình thành và phát triển vùng kinh tế công nghệ cao là một điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, người dân được ở trong hạ tầng xã hội phát triển rất cao mà ngân sách nhà nước không phải nặng nề lo toan.
“Trên thế giới, có nhiều nước nhỏ mà vẫn phát triển ở trình độ rất cao, đó là nhờ họ biết tập trung dồn sức cho thế mạnh của họ. Ở VN, Bắc Ninh là tỉnh có diện tích rất nhỏ, nhưng nhờ những chính sách thu hút đầu tư hiệu quả nên GRDP hiện trên 200 triệu đồng/người/năm, đứng thứ 2 trong nước. Ở Long An, hiện có đủ cả yếu tố vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi, lao động có tay nghề rất dồi dào và lãnh đạo tỉnh đã quán triệt phát triển vùng kinh tế công nghệ cao với định hướng làm trung tâm phát triển không chỉ riêng cho tỉnh mà còn cho cả vùng. Một lợi thế khác nữa là Long An hiện đã sẵn có vùng kinh tế cửa khẩu nên nếu vùng kinh tế này đầu tư không hiệu quả thì dịch chuyển đến vị trí thuận lợi hơn sẽ đỡ tốn rất nhiều thủ tục rườm rà… Tôi tin tưởng rằng trong thời gian tới, Saigon Invest Group sẽ làm cầu nối cho Long An thu hút thêm nhiều nhà đầu tư lớn đến từ các nước trên thế giới, vì chúng tôi đã có chiến lược và đang triển khai rất tốt”, ông Tâm nói.
Ông Cho Han Doeg, Giám đốc Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại VN, đánh giá cao về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông và quy hoạch định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Long An. Song song đó, ông Cho cũng nói rằng sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp từ các sản phẩm nông nghiệp với mức tăng trưởng ấn tượng (14,5%) và toàn tỉnh đang có hơn 10.000 doanh nghiệp hoạt động đã cho thấy Long An là một nơi có tiềm năng lớn để thu hút các nhà đầu tư.
Ông Park Noh-wan, Đại sứ Hàn Quốc tại VN, cho biết tất cả những điều kiện thu hút đầu tư phù hợp hơn của Long An trong thời gian sắp tới sẽ được ông thông tin đầy đủ và định hướng kịp thời để các nhà đầu tư Hàn Quốc hiểu rõ hơn về tỉnh Long An, cũng như về lợi ích khi đầu tư vào vùng kinh tế công nghệ cao tại Long An.

Mở rộng nhiều dự án giao thông quan trọng

Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết năm 2021, Long An phấn đấu có trên 1.500 ha đất sạch trong các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, đón làn sóng FDI đang di chuyển về VN sau đại dịch Covid-19. Để thực hiện được mục tiêu này, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng công nghiệp; trong đó chú trọng đầu tư các công trình hạ tầng ngoài khu, cụm công nghiệp như giao thông, điện, nước. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng, mở rộng nhiều dự án giao thông quan trọng kết nối nội tỉnh và các địa phương khác trong khu vực, đặc biệt là phát triển một khu kinh tế công nghệ cao. Các dự án này khi hoàn thành sẽ kết nối thông suốt từ các khu, cụm công nghiệp ở các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh đến Cảng quốc tế Long An, TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Long An, với vị trí địa lý đặc biệt sẵn có, bản quy hoạch Long An khi hình thành theo định hướng mà các lãnh đạo địa phương đang thực hiện là tập trung thu hút đầu tư ở một số lĩnh vực cụ thể như: hợp tác phát triển các dự án sản xuất công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, cơ khí chế tạo máy, sản xuất linh kiện điện tử, các dự án công nghiệp xanh, các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Tỉnh cũng sẽ tiếp tục phát triển đô thị - bất động sản gần TP.HCM, xây dựng và hoàn thiện các công trình cấp thoát nước, hạ tầng logistics, dịch vụ chất lượng cao gắn với Cảng quốc tế Long An, hợp tác đào tạo lao động kỹ thuật cao, hợp tác xuất khẩu lao động.
Các nhà đầu tư cho rằng vùng kinh tế công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Long An đặt từ khu vực Cảng quốc tế Long An (H.Cần Giuộc) đến địa bàn H.Cần Đước là phù hợp nhất ẢNH: B.B

Các nhà đầu tư cho rằng vùng kinh tế công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Long An đặt từ khu vực Cảng quốc tế Long An (H.Cần Giuộc) đến địa bàn H.Cần Đước là phù hợp nhất

ẢNH: B.B

Hoàn toàn đủ điều kiện

Phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm, Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng Long An là tỉnh có vị trí rất đặc biệt, vừa thuộc vùng ĐBSCL, đồng thời thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, với dân số đứng thứ 16/63, diện tích đứng thứ 34/63 và quy mô kinh tế đứng thứ 12/63 tỉnh/thành phố; Long An là cửa ngõ nối liền Đông Nam bộ với khu vực ĐBSCL, tiếp giáp với TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn nhất VN. Đồng thời, là cửa ngõ giao thương ra quốc tế với lợi thế có 133 km đường biên giới với nước bạn Campuchia.
Song song đó, Long An còn có tiềm năng lớn về vận tải đường biển, đường thủy nội địa. Hiện có 16 khu công nghiệp và 21 cụm công nghiệp đang hoạt động. Bên cạnh đó, kinh tế đối ngoại phát triển nhanh, các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch cũng đạt được trình độ phát triển ngày càng cao và Long An còn có một vùng phát triển nông nghiệp rộng lớn...
“Tất cả những tiềm năng, thế mạnh của Long An hiện có, tôi cho rằng địa phương hoàn toàn đủ điều kiện để phát triển vùng kinh tế công nghệ cao mang tầm cỡ khu vực và là tỉnh phát triển kinh tế hàng đầu khu vực ĐBSCL, phát triển khá trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Để hỗ trợ Long An hiện thực hóa những mục tiêu đó, thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục xây dựng chính phủ kiến tạo; thúc đẩy nền kinh tế số, xã hội số; hỗ trợ phát triển hạ tầng kỹ thuật số, công nghệ thông tin và truyền thông, đào tạo nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông và xã hội… tạo môi trường đầu tư cạnh tranh, lành mạnh”, Phó thủ tướng nói.
Theo Phó thủ tướng, tỉnh cần xác định các ngành công nghiệp mũi nhọn, có lợi thế để tập trung phát triển, chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ logistics. Đối với nông nghiệp cần phát triển theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Cần xác định phát triển kinh tế công nghệ cao rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính vì vậy, Long An cần phải nhanh chóng hợp tác trong nước và quốc tế trong đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, khai thác tốt lợi thế bên cạnh TP.HCM để phục vụ phát triển.
Kết thúc tọa đàm, 10 nội dung đã được UBND tỉnh Long An ký kết hợp đồng hoặc thỏa thuận ghi nhớ hợp tác đầu tư với các nhà đầu tư như Saigontel, Viettel IDC, VNPay, Microsoft VN, Siemens, SAP VN, Ngân hàng BIDV…
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Long An đã thu hút dòng vốn đầu tư FDI gần 9,2 tỉ USD. Hiện Hàn Quốc là nhà đầu tư đứng thứ 2 trong gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Long An với 204 dự án đang hoạt động, tổng vốn đăng ký trên 818 triệu USD.
Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 của Long An đứng hạng 3/63 tỉnh, thành cả nước và đứng đầu các địa phương phía nam. Đây là những lợi thế cạnh tranh giúp Long An đẩy mạnh thu hút nhiều nguồn đầu tư, đặc biệt là dòng vốn FDI. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.