Đề mở, chấm thi có mở ?

11/07/2016 08:00 GMT+7

Xu hướng ra đề các kỳ thi quốc gia những năm gần đây theo hướng mở. Vấn đề đặt ra là đáp án và bản thân người chấm thi cần mở tới mức nào để quyết định những điểm số công bằng cho thí sinh.

Khác bước giải có được tính điểm ?
Toán là môn thường có một đáp án. Tuy nhiên thực tế chấm bài môn này đòi hỏi giám khảo phải có quan điểm trong một số trường hợp.
Thạc sĩ Ngô Thiện, Trưởng bộ môn toán Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết đáp án môn toán mà Bộ đưa ra từng năm đều có quy định khá chặt chẽ ở từng bước giải với thang điểm tương ứng. Tuy nhiên, trong từng bước giải cụ thể, thí sinh (TS) không nhất thiết phải làm đúng đáp án Bộ nêu ra. Nếu TS làm theo phương pháp khác nhưng đúng thì vẫn được điểm tương ứng của từng bước giải trong đáp án.
Ông Thiện cho rằng một số trường hợp đáp án của Bộ không bao quát hết các ý nhỏ trong một bước giải cụ thể. Chẳng hạn, một bước giải 0,25 điểm nhưng được tạo nên từ 4 ý nhỏ. Nếu TS chỉ làm được 3 ý và thiếu một ý không quan trọng thì có thể vẫn cho đủ 0,25 điểm, vì không thể chia điểm nhỏ hơn. Ngược lại, TS làm gần đủ các ý nhỏ nhưng thiếu ý quan trọng có thể vẫn không được điểm. “Trong trường hợp này, hội đồng chấm thi phải làm việc để thống nhất quan điểm trước khi chấm bài nhằm đảm bảo công bằng, tránh thiệt thòi giữa các TS với nhau”, thạc sĩ Thiện chia sẻ.
Cách chấm mở đôi khi còn thể hiện qua cả một bài toán. Thạc sĩ Thiện phân tích: Đề toán kỳ thi THPT quốc gia thường có 7 câu đầu được ra ở dạng căn bản, có bước giải rõ ràng và thông thường TS làm theo phương án của Bộ đưa ra.
2 - 3 câu cuối là dạng nâng cao để phân loại TS. Ở những câu này năm nào cũng xuất hiện những cách giải khác lạ mà vẫn cho ra đáp án đúng. “Khi xuất hiện những cách giải mới, cán bộ chấm thi cần báo ngay với tổ trưởng để tổ chức bàn thảo thống nhất các bước giải và mức điểm tương ứng với đáp án của Bộ. Như vậy, nếu TS có bước giải khác nhưng vẫn cho ra đáp án đúng với lập luận thuyết phục, bài thi vẫn được điểm tối đa”, thạc sĩ Thiện khẳng định.

tin liên quan

Xem điểm thi THPT quốc gia năm 2016 như thế nào?
Theo Bộ GD-ĐT, chậm nhất ngày 20.7 các cụm thi phải chấm thi xong, sau đó gửi kết quả về Bộ để đối sánh dữ liệu hoàn thiện chuẩn cơ sở dữ liệu chung trong cả nước và giao lại các cụm thi để công bố kết quả.
Tùy thuộc năng lực người chấm !
Trong khi đó ở các môn xã hội, theo nhiều giám khảo, một bài làm mở vẫn phải đáp ứng được định hướng nội dung với khả năng trình bày và diễn đạt thuyết phục. Tuy nhiên, quan điểm và năng lực của cán bộ chấm thi tác động khá nhiều đến độ “mở” trong chấm bài các môn này.
Theo giáo viên ngữ văn một trường phổ thông tại TP.HCM, nếu cán bộ chấm thi không có cái nhìn mở thì việc chấm bài trong một số trường hợp sẽ khiến TS thiệt thòi. Chẳng hạn, ở câu I.2 trong đề thi môn ngữ văn năm nay (kể tên 2 biện pháp tu từ), theo đáp án thì TS chỉ cần nêu 2 trong số 4 biện pháp tu từ được nêu ra trong 2 đoạn thơ. Trong khi đó, văn bản này vẫn còn một số biện pháp tu từ khác được sử dụng nhưng đáp án không nêu như: nhân hóa, đảo ngữ… Trường hợp những TS không sử dụng đúng 4 biện pháp tu từ được nêu trong đáp án nhưng lại chỉ ra biện pháp tu từ đúng khác mà không được cho điểm thì thí TS sẽ bị thiệt thòi.
Tương tự, một cán bộ chấm thi môn địa bày tỏ sự lo ngại có sự sai lệch về điểm số giữa các cán bộ chấm thi có thể xảy ra trong năm nay. Người này lấy ví dụ từ đáp án câu I.2 hỏi về ảnh hưởng tích cực của đô thị hóa đến sự phát triển kinh tế xã hội. Theo cán bộ chấm thi này, đáp án của Bộ chỉ nêu ra 4 ý chính trong khi phần này ở sách giáo khoa (SGK) có tới 7 ý. Trong 4 ý thì có một ý là “tạo ra động lực cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế”. Trong SGK, ý này học sinh được học gồm nhiều ý nhỏ tương đương: Thu hút đầu tư nước ngoài, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, thị trường tiêu thụ rộng lớn, thu hút lực lượng lao động dồi dào có trình độ cao và nhiều kinh nghiệm. Qua khảo sát thử một số bài làm của TS, đa số chọn cách trình bày theo các ý nhỏ trong SGK mà không nêu được chính xác câu chữ trong đáp án. Như vậy, nếu cán bộ chấm thi không nắm rõ phần kiến thức này trong SGK sẽ không cho điểm TS.
Cũng trong đề môn địa, theo cán bộ chấm thi này, có thể sử dụng ý thay thế để cho điểm TS trong một số trường hợp. Chẳng hạn ở câu IV.1 yêu cầu phân tích thế mạnh nguồn nguyên liệu tại chỗ ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm nước ta. Theo đáp án có 3 nhóm nguyên liệu tại chỗ từ ngành trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Tuy nhiên, trường hợp TS không nêu được đầy đủ các ý của nhóm nguyên liệu trồng trọt (gồm cây lương thực và thực phẩm, cây công nghiệp và cây ăn quả); nhưng có nêu được nguồn nguyên liệu có sẵn từ những sản vật tự nhiên của rừng thực tế đang mang lại giá trị kinh tế lớn (như mủ trôm, quả đười ươi, bạch quả, kỷ tử…) thì vẫn nên cân nhắc để cho thêm điểm phần này.
Cán bộ chấm thi môn địa cũng nêu thêm một dẫn chứng để khẳng định nếu không có sự thống nhất trong quan điểm của giám khảo sẽ dẫn đến những khác biệt trước một đáp án mở. Ví dụ câu I.1 nêu biện pháp bảo vệ đa dạng sinh học của nước ta. Ý đầu tiên trong đáp án gồm 3 ý cần thể hiện và có nêu dẫn chứng. Yêu cầu nêu dẫn chứng ở đây theo cách hiểu của mỗi người có sự “lệch” nhau. Có người hiểu bắt buộc nêu số lượng cụ thể của các vườn quốc gia và khu bảo tồn. Quan điểm khác cho rằng chỉ cần nêu chung chung vì thực tế số liệu trong SGK không sát với thực tế bên ngoài.
Như vậy, ở một đề thi và đáp án mở, cách hiểu khác nhau có thể dẫn đến sự khác biệt trong chấm thi. Nếu không có sự thống nhất chung giữa các hội đồng mà mỗi hội đồng tự làm theo cách riêng sẽ không tránh khỏi sự sai lệch ít nhiều về điểm số.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.