Một đề nghị mới được đưa ra đối với các thai phụ ở Ấn Độ là bắt
buộc phải đi xác định giới tính của thai nhi, một biện pháp được cho
nhằm hạn chế tình trạng phá thai có giới tính nữ.
Ấn Độ lâu nay vẫn áp dụng chính sách cấm xác định giới tính thai nhi - Ảnh: Reuters |
Một đề nghi nghe có vẻ trái với tự nhiên được đưa ra bởi một bộ trưởng của Ấn Độ phụ trách những vấn đề về phụ nữ và trẻ em.
Ấn Độ lâu nay vẫn áp dụng chính sách cấm xác định giới tính thai nhi nhằm hạn chế tình trạng phá thai. Nhiều người Ấn Độ vẫn còn có lối suy nghĩ bảo thủ, thích con trai hơn con gái, vì vậy khi phát hiện thai nhi là nữ nhiều ông bố, bà mẹ ở đất nước này quyết định phá thai. Cấm xác định giới tính thai nhi được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng nhằm ngăn chặn hiện tượng chênh lệch về tỷ lệ nam, nữ.
Tuy nhiên, bà Bộ trưởng Maneka Gandhi cho rằng cần phải bắt các thai phụ đi khám thai và xác định giới tính thai nhi, theo AFP hôm nay 2.2. Theo bà Gandhi, bằng cách bắt buộc thai phụ đi xác định giới tính thai nhi, giới chức y tế có cơ sở để biết được tình trạng mang thai của các thai phụ cho đến khi họ sinh em bé.
Thông tin dữ liệu về thai nhi, kể cả giới tính được lưu vào hệ thống máy tính và được theo dõi liên tục, khiến các ông bố, bà mẹ phải dè chừng trước quyết định phá thai khi họ không hài lòng với giới tính của thai nhi mà họ sẽ sinh ra.
Cha mẹ và bác sĩ có thể bị phạt đến 5 năm tù nếu yêu cầu hoặc thực hiện việc kiểm tra xác định giới tính của thai nhi, thế nhưng việc làm này vẫn xảy ra phổ biến ở Ấn Độ và phá thai tràn lan. Một thống kê hồi năm 2011 của tờ báo y khoa The Lancet (Anh) cho biết có 12 triệu trường hợp thai nhi có giới tính nữ bị phá trong vòng 3 thập niên ở Ấn Độ.
Ở Ấn Độ, cứ 1.000 đàn ông thì có 940 nữ, theo số liệu thống kê của giới chức địa phương hồi năm 2011 so với con số 933 nữ của năm 2001.
Bình luận (0)