Ngày 9.6, tại hội nghị chuyên đề về đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, tổ chức tại Bình Định, lãnh đạo tỉnh Bình Định cho biết đã yêu cầu công an tỉnh vào cuộc, báo cáo để Bộ Công an điều tra việc tàu vỏ thép kém chất lượng.
Theo Bộ NN-PTNT, đến tháng 5 vừa qua, cả nước đóng được 297 tàu cá vỏ thép theo Nghị định 67. Trong đó có 18 tàu vỏ thép ở Bình Định và 3 tàu ở tỉnh Phú Yên vừa đưa vào sử dụng đã bị hư hỏng, khiến ngư dân bức xúc.
Thép dỏm, máy giả
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết tỉnh này đóng được 47 tàu vỏ thép tại 9 cơ sở đóng tàu nhưng qua kiểm tra, Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng 20 tàu vỏ thép thì có 13 tàu bị hư hỏng, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng 5 chiếc đều bị trục trặc. Đầu tháng 6, UBND tỉnh Bình Định đã thành lập tổ thẩm định đánh giá chất lượng của 18 tàu vỏ thép bị trục trặc, kết quả sơ bộ ghi nhận là vỏ tàu bị gỉ sét, chất lượng thép không đúng theo hợp đồng (thay thế thép Hàn/Nhật bằng thép Trung Quốc), chất lượng và quy trình sơn không đảm bảo, máy tàu hư hỏng đã sửa chữa và không đồng bộ, trang thiết bị hàng hải và khai thác bị hư hỏng, không đồng bộ...
“Các chủ tàu chưa am hiểu về tàu vỏ thép và giám sát đóng mới nên khó khăn trong việc giám sát đóng tàu. Khi nhận bàn giao, ngư dân chưa hiểu và chưa kiểm tra đầy đủ con tàu thực tế so với hợp đồng thi công của cơ sở đóng tàu, không có tư vấn giám sát thi công nên chất lượng tàu đóng mới chưa đúng với hợp đồng đã ký mà ngư dân không biết”, ông Hổ nói.
Theo ông Teddy Trương Thưởng - đại diện Tập đoàn Xin Min Hua Pte Ltd (Singapore) là đơn vị độc quyền phân phối máy thủy của Hãng Mitsubishi (Nhật Bản) tại thị trường VN, trong ngày 8.6, đơn vị này cùng chuyên gia nước ngoài đã kiểm tra 9 tàu cá vỏ thép có lắp máy Mitsubishi thì chỉ có 1 tàu lắp đúng máy thủy do đơn vị này cung cấp, 8 tàu còn lại lắp máy không phải hàng chính hãng và không phải do đơn vị này cung cấp. Qua kiểm tra ban đầu, 8 máy này có dấu hiệu cải hoán để phù hợp với môi trường hoạt động của máy thủy.
|
Công ty đóng tàu vận động ngư dân rút đơn yêu cầu thẩm định?!
Ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, thừa nhận việc chưa có quy định rõ trách nhiệm của các sở NN-PTNT, UBND tỉnh, các đơn vị chuyên môn của Bộ NN-PTNT và các ngân hàng trong việc giám sát đóng mới tàu vỏ thép nên các cơ sở đóng tàu có phần lạm quyền và lợi dụng sự thiếu hiểu biết của ngư dân về chất lượng tàu, máy móc thiết bị... “Vấn đề bất thường là trước đây ngư dân liên tiếp khiếu kiện, báo cáo về tình hình tàu vỏ thép bị hư hỏng nhưng gần đây, khi tỉnh lập đoàn kiểm tra, thẩm định thì nhiều ngư dân xin rút đơn, không kiện nữa. Chắc có khi là “đi đêm” với nhau”, ông Châu nói.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cũng đặt vấn đề: “Một số chủ tàu đã làm đơn kiến nghị UBND tỉnh Bình Định kiểm tra nhưng không biết do tác động thế nào mà họ rút đơn? Tôi đề nghị UBND tỉnh Bình Định nhất quyết phải thẩm định từng con tàu một và có kết luận chứ không phải vì ngư dân rút đơn mà chúng ta không làm”.
Liên quan đến nghi vấn trên, tại hội nghị chuyên đề trên, ngư dân Trần Đình Sơn (ở xã Mỹ An, H.Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) - chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99245 TS, cho biết đã gửi đơn trình báo với các cơ quan chức năng việc Công ty TNHH MTV Nam Triệu đã lừa ông và một số chủ tàu khác ký đơn xin rút hồ sơ đề nghị thẩm định.
|
Tháo ra, làm lại như hợp đồng
Ông Trần Châu đề nghị sau khi có kết luận của tổ thẩm định tàu vỏ thép, nếu máy móc bị hư hỏng là máy cũ hoặc máy không đồng bộ thì 2 đơn vị đóng tàu là Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương phải chịu trách nhiệm và phải đền bù các thiệt hại cho chủ tàu do tàu vỏ thép bị hư hỏng, phải nằm bờ sửa chữa không đi đánh bắt được...
“Đối với phần vỏ tàu, thân tàu, nếu đơn vị đóng tàu nào dùng thép không đúng hợp đồng, tôi yêu cầu tháo ra, làm lại y như hợp đồng đã ký kết với ngư dân, cái này phải quyết liệt chứ không thể nào du di được. Đối với máy không chính hãng, không đồng bộ mà đã lắp vào rồi, tôi cũng yêu cầu tháo ra, thay máy mới. Tất cả các thiết bị trên tàu phải làm mới hoàn toàn theo quy định của Nghị định 67 và theo đúng hợp đồng”, ông Châu cương quyết và cho biết đã yêu cầu công an tỉnh vào cuộc, báo cáo để Bộ Công an điều tra việc tàu vỏ thép kém chất lượng. Ngư dân, đơn vị đóng tàu hay cơ quan quản lý nhà nước nếu có sai phạm trong việc thực hiện Nghị định 67 thì UBND tỉnh Bình Định cũng đều đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm minh.
Sau khi đại diện bán hàng của Mitsubishi có báo cáo về việc các đơn vị cung ứng máy thủy cho ngư dân không phải là hàng chính hãng, không đồng bộ, UBND tỉnh Bình Định sẽ chuyển cho cơ quan điều tra để làm rõ. Thứ trưởng Vũ Văn Tám đồng ý với những kiến nghị của lãnh đạo tỉnh Bình Định đưa ra đối với 2 đơn vị đóng tàu là Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu. “Bộ NN-PTNT quyết định tạm đình chỉ việc nhận thêm hợp đồng đóng mới đối với Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu để 2 công ty này có trách nhiệm khắc phục sự cố của 18 con tàu bị hỏng hóc”.
Tại cuộc họp, nhiều đại biểu đề cập đến việc ngư dân bị các ngân hàng thương mại yêu cầu thế chấp tài sản khác (ngoài tài sản hình thành từ vốn vay là con tàu) khi vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67, trong đó có 2 ngư dân Trần Văn Hạo và Trương Hoài Khánh (cùng ở P.Đống Đa, TP.Quy Nhơn) bị Vietcombank Quy Nhơn giữ sổ đỏ (Thanh Niên đã thông tin). Đại diện Ngân hàng Nhà nước trả lời là Nghị định 67 không có nội dung nào cấm các ngân hàng thương mại nhận tài sản thế chấp khác để đảm bảo cho các khoản vay của khách hàng và việc ngân hàng giữ sổ đỏ là do ngư dân tự nguyện...
Nghe vậy, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cắt lời: “Anh nói vậy là sai rồi, cán bộ chỉ làm những việc mà nhà nước có quy định, cán bộ không được làm những vấn đề nhà nước không quy định. Đó là cái bắt buộc đối với người cán bộ, chỉ có người dân mới được quyền làm những việc mà trong văn bản pháp luật của nhà nước không cấm”. Ngay sau đó, ông Châu đã đề nghị ngân hàng rà soát lại vấn đề này.
|
Bình luận (0)