Đề nghị cấm sử dụng vật chất để 'mua' phiếu bầu cử

25/08/2014 16:45 GMT+7

(TNO) Nhiều ý kiến cho rằng cần có quy định cụ thể cấm người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu HĐND sử dụng vật chất (tiền, quà tặng bằng hiện vật…) để cho cử tri hoặc địa phương nơi mình ứng cử.

 
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Ủy viên thường trực HĐND tỉnh Bình Phước (đứng), góp ý tại hội nghị - Ảnh: Đình Phú

Ngày 25.8, tại TP.HCM, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị góp ý dự án luật Bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND (gọi chung là luật Bầu cử).

Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết luật Bầu cử ĐBQH được ban hành năm 1997, luật Bầu cử đại biểu HĐND được ban hành năm 2003. Hai đạo luật này từng được sửa đổi, bổ sung một số lần và đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tổ chức thành công cuộc bầu cử ĐBQH các khóa 10, 11, 12 và 13; cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp từ năm 2004 đến nay.

Tuy nhiên, do yêu cầu tiếp tục đổi mới công tác bầu cử nên cần phải sửa đổi, bổ sung. Dự án luật Bầu cử sẽ hợp nhất 2 đạo luật nói trên. So với luật định bầu cử hiện hành, dự án luật Bầu cử bao gồm 7 điều mới; 42 điều được sửa đổi, bổ sung; 52 điều được kế thừa giữ nguyên như hiện hành.

Một nội dung thu hút nhiều ý kiến góp ý, đó là vấn đề vận động bầu cử (chương 6, trong tổng số 11 chương của dự án luật Bầu cử).

Dự án luật đã cụ thể hóa quy định về vận động bầu cử trên cơ sở hướng dẫn về vận động bầu cử ĐBQH khóa 13 và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2011-2016. Theo đó, hai hình thức vận động bầu cử là thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri do Ủy ban MTTQ VN tổ chức và vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tại hội nghị, có ý kiến đề nghị nên quy định việc người ứng cử tự mình tiến hành vận động bầu cử thông qua tiếp xúc trực tiếp với cử tri.

Tuy nhiên, ý kiến khác lại cho rằng không nên quy định hình thức này, bởi cách thức tổ chức bầu cử ở nước ta có đặc thù riêng. Đó là người ứng cử phần lớn do cơ quan, tổ chức giới thiệu, do vậy những người này không có điều kiện tự mình vận động bầu cử so với những người tự ứng cử. Thực tiễn là cuộc bầu cử vừa qua cho thấy có tình trạng người ứng cử sử dụng vật chất ủng hộ cho cá nhân hoặc địa phương nơi mình ứng cử, tạo sự không công bằng với ứng cử viên khác.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Ủy viên thường trực HĐND tỉnh Bình Phước, đề nghị cần có quy định cụ thể cấm người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND sử dụng vật chất (tiền, quà tặng bằng hiện vật…) trong quá trình tiếp xúc với cử tri để vận động bầu cử. Nhiều đại biểu đồng tình với ý kiến này của ông Dũng.

“Có thể nói sử dụng tiền hoặc quà tặng là một cách mua phiếu bầu. Nếu làm như vậy là không hay. Việc vận động bầu cử phải lành mạnh, công bằng. Người ứng cử muốn trúng cử phải chứng minh được khả năng thực tế thông qua những chương trình hành động hiệu quả, đáp ứng được sự mong đợi và kỳ vọng của cử tri”, ông Dũng phân tích thêm về quan điểm ông đưa ra.

Chốt lại vấn đề, ông Phan Trung Lý nói: “Nếu sử dụng tiền, quà tặng cho cử tri và địa phương nơi mình ứng cử thì kết quả bầu cử sẽ không khách quan. Thế nhưng, đây là vấn đề mới nên cần tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn thì mới thống nhất được. Khi xây dựng dự án luật, ban soạn thảo cũng cho rằng để đảm bảo sự công bằng, khách quan thì không nên bổ sung quy định hình thức người ứng cử tự mình vận động bầu cử”.

Dự án luật Bầu cử nằm trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 của Quốc hội.

Đình Phú

>> Xét xử vụ đưa và nhận hối lộ tại Sở LĐ-TB-XH tỉnh Cà Mau: Tố vu khống nhưng xin không xử tội vu khống
>> Khởi tố Chánh tòa kinh tế nhận hối lộ
>> Thêm một thẩm phán bị bắt vì nhận hối lộ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.