Cụ thể, theo ông Thành, liên quan đến việc 500 giáo viên mất việc làm tại H.Krông Pắc (Đắk Lắk), ngày 15.3, UBND tỉnh Đắk Lắk có báo cáo, xác định trong 578 trường hợp hợp đồng lao động (HĐLĐ), có 370 trường hợp đủ điều kiện để nộp hồ sơ và 208 trường hợp không có vị trí việc làm để nộp hồ sơ (không đủ điều kiện nộp hồ sơ). Đối với những giáo viên không đủ điều kiện nộp hồ sơ hoặc không có vị trí tuyển dụng, UBND H.Krông Pắc thực hiện việc chấm dứt hợp đồng theo quy định. Do đó, ông Thành xác nhận “thông tin phản ánh của báo chí liên quan đến việc một số giáo viên hợp đồng tại H.Krông Pắc sắp mất việc là đúng”.
Ngày 11.3, UBND tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu H.Krông Pắc tạm dừng việc thực hiện chấm dứt HĐLĐ giáo viên ngoài chỉ tiêu tuyển dụng năm 2017 và “rà soát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động”; báo cáo, đề xuất cụ thể với UBND tỉnh giải quyết căn cơ các vấn đề. Trong đó, nghiên cứu việc xét tuyển bổ sung đối với các giáo viên đã có HĐLĐ ngoài chỉ tiêu biên chế nhưng không còn vị trí việc làm để tuyển dụng... “Bộ Nội vụ đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk khẩn trương xử lý vụ việc theo thẩm quyền, đồng thời bảo đảm thực hiện theo đúng quy định. Đối với nội dung báo chí nêu là phát hiện có dấu hiệu tiêu cực để có suất dạy hợp đồng tại huyện, đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc, kiểm tra, điều tra, nếu có sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, Bộ Nội vụ đang xây dựng các dự thảo nghị định (NĐ) thay thế NĐ 24/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và NĐ 37/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện. Bộ đã tổ chức hội thảo và đang tiến hành khảo sát tại 8 tỉnh, TP để hoàn thiện dự thảo. Sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành và trình Bộ Tư pháp thẩm định, sẽ báo cáo Bộ Chính trị xin ý kiến trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành, dự kiến vào quý 2/2018.
Theo phương án đang được xây dựng, 17 sở đang tổ chức thống nhất trong cả nước được chia thành 3 nhóm. Nhóm 1 là 7 sở và cơ quan được tổ chức thống nhất gồm: Nội vụ, Tư pháp, Tài nguyên - Môi trường, Lao động - Thương binh - Xã hội, Y tế, Thanh tra, Văn phòng UBND tỉnh. Tỉnh nào thực hiện thí điểm hợp nhất văn phòng UBND tỉnh với văn phòng HĐND tỉnh và văn phòng đoàn ĐBQH thì đổi tên thành Văn phòng Chính quyền địa phương cấp tỉnh. Nhóm 2 là các sở giao thẩm quyền cho UBND tỉnh trình HĐND quyết định giữ ổn định hoặc hợp nhất. Nhóm 3 là các sở giao UBND tỉnh trình HĐND quyết định giữ hoặc sáp nhập.
Đối với các sở đặc thù, gồm: Sở Quy hoạch - Kiến trúc thuộc UBND TP.Hà Nội và TP.HCM, Ban Dân tộc, Sở Ngoại vụ, Sở Du lịch, giao UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định giữ ổn định hoặc sáp nhập; thành lập hoặc không thành lập.
Tương tự, cấp phòng cũng được tổ chức theo hướng này.
Bình luận (0)