Đề nghị đưa công việc có tiếp xúc với SARS-CoV-2 vào danh mục nghề độc hại

Thu Hằng
Thu Hằng
16/10/2021 18:45 GMT+7

Cán bộ y tế không chỉ đối mặt với nguy cơ lây nhiễm Covid-19, còn phải đảm đương công việc gấp 3 - 5 lần bình thường. Do vậy, cần nghiên cứu, bổ sung công việc có tiếp xúc với SARS-CoV-2 vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại .

Đây là kiến nghị của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam diễn ra chiều nay, 16.10.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị với Thủ tướng một số chính sách liên quan đến người lao động

ĐẶNG LỢI

Tại buổi làm việc, bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, cho biết trong vòng 3 tháng, số ca mắc Covid-19 tăng 22,5 lần, tử vong tăng 53 lần ở 62/63 tỉnh, thành phố, cộng thêm khối lượng công việc phải hoàn thành tiêm chủng được 60 triệu mũi vắc xin và hàng chục triệu lượt xét nghiệm khiến cho lực lượng lao động ngành y tế phải gánh vác một khối lượng công việc lớn.

Mỗi người đã làm việc gấp ít nhất 3 - 5 lần công việc hàng ngày vốn đã rất áp lực.

Ngoài khó khăn và nỗ lực vì phải đảm đương khối lượng công việc lớn, cán bộ y tế phải đối mặt với nguy cơ cao bị lây nhiễm Covid-19. Hiện có khoảng 3.200 cán bộ y tế bị lây nhiễm, 6 cán bộ tử vong trong khi đang làm nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, hơn 20.000 cán bộ y tế đi tăng cường tại các tỉnh phía nam cũng gặp không ít khó khăn trong sinh hoạt, ăn uống, điều kiện làm việc, phương tiện bảo hộ và trang thiết bị y tế…

Ngày 16.10: Thông báo 88 ca Covid-19 tử vong tại 13 tỉnh thành

Trước những khó khăn của cán bộ y tế, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét bổ sung nghề, công việc có tiếp xúc với SARS-CoV-2 vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Đồng thời, nghiên cứu, xem xét giải quyết chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động bị lây nhiễm, dương tính với SARS-CoV-2 tại nơi làm việc để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề xuất tháo gỡ khó khăn trong quá trình giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Đề nghị thí điểm cơ chế đặc thù xây nhà ở cho công nhân

Theo ông Nguyễn Đình Khang, trong quá trình triển khai dự án thí điểm thiết chế công đoàn tại Hà Nam và một số địa phương khác, đã phát sinh một số vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, pháp luật làm ảnh hưởng đến tiến độ, mục tiêu của Đề án phát triển nhà ở cho công nhân.

Để khuyến khích và thúc đẩy được việc phát triển nhà ở cho công nhân, lao động thuê tại các khu công nghiệp, Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị Chính phủ xem xét sửa luật Nhà ở theo hướng: tách đối tượng người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp ra khỏi nhóm đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; bổ sung chính sách về nhà ở riêng cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp.

Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất đối với diện tích đất làm nhà lưu trú cho công nhân thuê; được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam…

Đáng chú ý, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Chính phủ thí điểm cơ chế đặc thù cho phép Tổng LĐLĐ Việt Nam được trực tiếp giao đất và làm chủ đầu tư một số dự án nhà ở cho công nhân thuê tại các khu đất dịch vụ trong quy hoạch khu công nghiệp hoặc quỹ đất khác do UBND tỉnh giới thiệu.

Trước mắt, cho phép Tổng LĐLĐ Việt Nam được đầu tư thí điểm xây dựng nhà ở cho công nhân tại các địa phương có số lượng công nhân đông như Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, TP.HCM.

Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp trong khu công nghiệp được thuê nhà ở để bố trí cho công nhân của mình ở hoặc thuê lại; giảm bớt các thủ tục cho công nhân thuê nhà ở tại các dự án do Tổng LĐLĐ Việt Nam đầu tư.

Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT bố trí gói khoảng 3.000 tỉ đồng để cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân thuê và công nhân vay vốn để mua, thuê nhà ở.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.