Đây là kêu gọi của Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam Nguyễn Đình Khang tại lễ phát động phong trào thi đua “Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do LĐLĐ Việt Nam tổ chức sáng nay, 6.9.
Lễ phát động trực tuyến được kết nối đến 83 điểm cầu tại các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành T.Ư, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Đình Khang, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân và sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Trước mắt còn rất nhiều khó khăn, thử thách cần phải có sự đoàn kết, đồng lòng, sự chia sẻ, nỗ lực vượt khó, sự sáng tạo và quyết tâm cao nhất của cán bộ, đoàn viên, người lao động để sớm đẩy lùi và chiến thắng đại dịch.
“Việc tổ chức phong trào thi đua nhằm khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vượt khó của dân tộc, đồng thời, thể hiện vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ, doanh nghiệp và cả nước trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 với tinh thần chống dịch như chống giặc”, ông Khang chia sẻ.
Tại lễ phát động, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam mong muốn, mỗi cán bộ, đoàn viên công nhân, viên chức lao động (CNVCLĐ) chủ động nâng cao nhận thức, tự giác thực hiện và vận động, thuyết phục đồng nghiệp và người thân trong gia đình chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là nguyên tắc "5K".
“Mỗi người lao động hãy đồng cam, cộng khổ, chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, địa phương và đất nước; hỗ trợ, giúp đỡ nhau, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức; tích cực tham gia lao động sản xuất với năng suất cao, chất lượng tốt, góp phần sớm ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm và đời sống; không bị kích động, lôi kéo, gây rối và thực hiện các hành vi trái pháp luật”, ông Khang nhấn mạnh.
Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị, ban chấp hành công đoàn cơ sở tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động đoàn kết, chung sức, đồng lòng, khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo trong phòng, chống dịch Covid-19 và trong sản xuất, kinh doanh. Bảo vệ sức khỏe, đảm bảo an toàn tính mạng cho đoàn viên, CNVCLĐ. Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch với tinh thần “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”, thúc đẩy tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả công việc, sớm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức các hoạt động chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động; gắn bó với doanh nghiệp, yên tâm sản xuất, bảo vệ nhà máy tuyệt đối an toàn.
Ngoài ra, các cấp công đoàn cần có các hình thức sáng tạo, huy động nguồn lực chăm lo cho đoàn viên, CNVCLĐ khó khăn, nhất là đoàn viên, người lao động trong khu vực bị phong tỏa, cách ly và các cán bộ, đoàn viên trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch; có các cách làm hay, giải pháp sáng tạo đáp ứng kịp thời, hiệu quả yêu cầu thực tiễn và diễn biến của dịch tại các địa phương. Tăng cường phát huy các mô hình có hiệu quả như: Tổ an toàn Covid-19, Siêu thị 0 đồng, Phiên chợ 0 đồng, Nhà trọ 0 đồng, ATM gạo miễn phí, Nghĩa tình công đoàn, Bếp ăn nghĩa tình…
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN kêu gọi: “Toàn thể cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ cả nước phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, triệu người như một, đồng cam, cộng khổ, trách nhiệm hơn, nỗ lực, tận tâm hơn nữa, vượt mọi khó khăn, thử thách, ra sức thi đua nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu sớm đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi sản xuất”.
Trước đó, ngày 1.9, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành kế hoạch về tổ chức phong trào thi đua “Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”. Phong trào thi đua được tổ chức từ ngày 1.9 đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát trong phạm vi toàn quốc.
Bình luận (0)