Đề nghị giải thể trường đại học kém chất lượng

01/06/2013 03:25 GMT+7

Cần phải hạ cấp, giải thể những cơ sở đào tạo nhiều năm hoạt động nhưng không đảm bảo chất lượng.

Đó là một trong những kiến nghị với Chính phủ trong Báo cáo giám sát về giáo dục đại học (GDĐH) do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH tiến hành.

Cam kết nhưng không thực hiện

Báo cáo giám sát nhận định: trong 3 năm qua, công tác thành lập trường đã có nhiều chuyển biến tích cực, chú trọng tới chất lượng thay vì chạy theo số lượng cơ sở được thành lập... Tuy nhiên, công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH còn bất cập; việc thực hiện cam kết theo đề án thành lập trường còn nhiều khó khăn. Do chưa có sự kiên quyết trong điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường nên tốc độ thành lập trường trong các năm 2010 và 2011 vẫn còn cao...

 

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong số 1.002 ngành/chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ được kiểm tra, rà soát trong năm 2012 có tới 161 chuyên ngành thuộc 50 cơ sở GDĐH đào tạo thạc sĩ không đảm bảo điều kiện theo quy định.

Thêm nữa, việc phân bố các trường mới thành lập theo địa lý còn chưa hợp lý (các trường mới được thành lập, nâng cấp vẫn tập trung chủ yếu ở các vùng thuận lợi, như đồng bằng sông Hồng 13 trường, Đông Nam bộ 6 trường).

Nhiều cơ sở GDĐH, khi lập dự án thành lập trường thì các bộ, ngành chủ quản, lãnh đạo các địa phương đưa ra rất nhiều cam kết, nhưng sau khi đi vào hoạt động, việc thực hiện các cam kết này rất hạn chế. Một số trường có số lượng giáo viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn thấp, dưới 50 người.

Chưa kiểm soát được chất lượng

Cũng theo kết quả đoàn giám sát thì các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa đưa ra được những quy định cụ thể về công tác hậu kiểm. Theo quy định, sau 3 năm kể từ năm 2010, các trường chưa có cơ sở riêng của mình thì phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh, đình chỉ hoặc giải thể, nhưng sau nhiều đợt thanh tra, Bộ GD-ĐT vẫn chưa đưa ra danh sách các trường dự kiến phải giải thể.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, phần lớn các trường, đặc biệt là trường ngoài công lập vẫn tập trung tuyển sinh chủ yếu các ngành dễ dạy, dễ học, ít tốn kém đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm, thực hành... như quản trị kinh doanh, ngân hàng, tài chính, ngoại ngữ...

Hình thức và trình độ đào tạo cũng không cân xứng, trong đó hình thức đào tạo vừa làm vừa học chiếm trên 65%.

Cần phân tầng chất lượng

Báo cáo cũng nhấn mạnh, cần giảm chỉ tiêu tuyển sinh, đình chỉ mở ngành và đình chỉ hoạt động, sáp nhập, hạ cấp hoặc giải thể những cơ sở GDĐH sau nhiều năm hoạt động nhưng vẫn không thực hiện cam kết thành lập trường, không hội tụ đủ năng lực, điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo.

Với Bộ GD-ĐT, ủy ban đề nghị: nghiên cứu xây dựng cơ chế thu học phí GDĐH theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí cơ bản cần thiết cho đào tạo; từng bước gắn việc đào tạo với nhu cầu xã hội. Theo đó, đối với những ngành nghề đào tạo có khả năng xã hội hóa cao (như kinh tế, tài chính, luật...) hoặc các hoạt động đào tạo cung cấp dịch vụ gắn với nhu cầu xã hội thì cơ sở GDĐH được tự xác định mức thu học phí cho phù hợp... Đối với những ngành nghề đào tạo không hấp dẫn (như sư phạm, nông - lâm - ngư, nghệ thuật...) thì nhà nước sẽ đặt hàng đào tạo và cấp kinh phí trên cơ sở tính đủ chi phí đào tạo.

Tuệ Nguyễn 

>> Khi nào thì bỏ kỳ thi đại học ?
>> Để trở thành đại học hàng đầu
>> Tuyển sinh đại học 2013: 2 mức điểm sàn ?
>> Sẽ tăng lệ phí dự thi đại học, cao đẳng năm 2013
>> Quyết liệt cuộc đua vào đại học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.