>> Ì ạch đổi mới chương trình sách giáo khoa
>> Chương trình và sách giáo khoa phải khả thi
Chiều nay 15.8, UBTVQH đã họp cho ý kiến Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình giáo dục phổ thông.
Báo cáo giám sát của UBTVQH đã chỉ ra một loạt yếu kém của giáo dục phổ thông. Chất lượng giáo dục phổ thông nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu giáo dục cũng như yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và còn thấp so với các nước tiên tiến.
Các loại hình giáo dục chuyên biệt, ngoài công lập, chất lượng cao, có yếu tố nước ngoài chưa bám sát định hướng, mục tiêu đề ra và còn bất cập về cơ chế hoạt động và quản lý.
Chương trình sách giáo khoa (SGK) còn thiên về truyền đạt kiến thức, chưa chú trọng đúng mức việc rèn luyện tư duy sáng tạo và năng lực tự học, chưa cân đối dạy “chữ” với dạy “người”, giáo dục đạo đức, lối sống, lịch sử, văn hóa dân tộc cũng như định hướng nghề nghiệp.
Một số nội dung thuộc một số môn học còn thiếu tính khả thi. Phân ban THPT không đạt được mục tiêu đề ra, không phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của học sinh.
Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai chương trình sách giáo khoa (SGK) mới nói riêng và bảo đảm chất lượng giáo dục nói chung….
Thực tiễn cho thấy, những hạn chế trong việc triển khai chương trình SGK vừa qua chủ yếu là do công tác chuẩn bị chưa chu đáo. Vì vậy, báo cáo giám sát đề nghị Chính phủ cần tổng kết việc thực hiện chương trình SGK một cách nghiêm túc và sâu sắc, sớm hoàn chỉnh dự thảo Đề án đổi mới chương trình SGK sau năm 2015, công bố để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân để hoàn thiện và tạo sự đồng thuận; chuẩn bị thật kỹ lưỡng các điều kiện để thực hiện Đề án.
Đa số ủy viên TVQH đồng tình với báo cáo giám sát nhưng vẫn đề xuất báo cáo phải nêu rõ đâu là vấn đề cốt lõi cần “xoáy” vào để có thể cải thiện chất lượng giáo dục phổ thông.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm văn phòng QH đề nghị: báo cáo giám sát cần phải nhấn mạnh tới vai trò cũng như trách nhiệm của cơ quan quản lý các cấp, của Bộ GD-ĐT trong những hạn chế, bất cập, yếu kém của giáo dục phổ thông trong thời gian qua.
Ý kiến này được nhiều ủy viên TVQH đồng tình. Bên cạnh đó, là những đề nghị cần tập trung vào một vấn đề trọng tâm của giáo dục phổ thông, đó là chương trình SGK.
UBTVQH đề nghị: Chương trình SGK mới cần phải bám sát điều kiện thực tiễn của đất nước, một mặt bảo đảm thống nhất toàn quốc về mục tiêu, nội dung cốt lõi và mức độ yêu cầu tối thiểu, mặt khác phải phù hợp với năng lực tiếp thu trung bình của học sinh, nhất là học sinh dân tộc thiểu số và học sinh ở các địa bàn kinh tế, xã hội khó khăn.
Đồng thời tạo điều kiện để các địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn dạy bổ sung, nâng cao những kiến thức cần thiết phù hợp đối với các đối tượng học sinh khác nhau.
Đặc biệt, dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình giáo dục phổ thông còn “đặt hàng” rõ: cần giảm số môn học bắt buộc, tăng số môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn phù hợp với năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp của học sinh.
Tuệ Nguyễn
Bình luận (0)