Đề nghị khai quật khảo cổ mộ tiến sĩ Nguyễn Kiều

30/04/2011 00:14 GMT+7

Một trong những nội dung được đề cập trong Công văn số 200/BQL ngày 1.10.2009 của Ban QLDA xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Tây gửi Ban quản lý di tích TP Hà Nội về việc phương án xây dựng và di chuyển phần mộ tiến sĩ Nguyễn Kiều tại P.Phú Thượng, Q.Tây Hồ là “hợp đồng với Hội Khảo cổ học VN lập dự toán công trình khai quật và di chuyển mộ cụ Nguyễn Kiều”.

Tuy vậy, trao đổi với PV Thanh Niên ngày 28.4, PGS-TS Nguyễn Lân Cường, Phó tổng thư ký kiêm Chánh văn phòng Hội Khảo cổ học VN cho biết, cho đến thời điểm này, Hội Khảo cổ chưa hề nhận được văn bản nào của Ban QLDA xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Tây về việc hợp đồng khai quật và di chuyển mộ cụ Nguyễn Kiều.

PGS-TS Nguyễn Lân Cường cho biết thêm: Trong khi chưa tiến hành khai quật khảo cổ học mà đơn vị thi công dự án đã san đào các hố sâu hơn chục mét ngay cạnh mộ cụ Nguyễn Kiều, thậm chí đóng nhiều cọc bê tông gần sát mộ là việc làm rất phản cảm đối với cụ tiến sĩ - phó tể tướng đã có công với nước dưới triều nhà Lê năm 1745 và là chồng nữ danh sĩ Đoàn Thị Điểm.

 
Đơn vị thi công đóng cọc bê tông gần mộ cụ Nguyễn Kiều 

Giải thích lý do về việc dòng họ cụ Nguyễn Kiều muốn mời Hội Khảo cổ học VN về khai quật khảo cổ học phần mộ trước khi di chuyển, bà Nguyễn Thị Sơn (đại diện dòng họ) cho biết: Từ năm 2005, PGS-TS Nguyễn Lân Cường cùng các nhà khoa học khai quật một ngôi mộ cổ được chôn gần mộ tiến sĩ Nguyễn Kiều ở vườn đào, làng Phú Thượng, đã phát hiện trong một quan tài bằng gỗ đặc biệt quý hiếm là xác ướp của một cụ ông còn nguyên vẹn có niên đại cách đây 200 năm. Theo PGS-TS Nguyễn Lân Cường, sau 10 ngày phát lộ, ngôi mộ vẫn còn mùi thơm, xác ướp chỉ khô đi, không có hiện tượng phân hủy, cụ ông trong mộ khoảng 60-62 tuổi, cao 1m62, râu tóc còn nguyên (tóc dài đến chấm lưng được buộc gọn sau gáy), được chôn với 50 cuộn vải lụa tơ tằm quý hiếm chèn quanh người và 10 lớp áo choàng bằng lụa, 10 chiếc áo gấm cuốn quanh người, chân đi một đôi hia vải rất dày và đẹp, cao quá đầu gối. Các nhà khoa học không thể xác định được danh tính của cụ ông trong mộ vì không tìm thấy bia hay bất kỳ một vật nào khác có thể nói lên điều đó.

Thời điểm khai quật mộ cổ trên, có ý kiến cho rằng đó có thể đấy chính là ngôi mộ thật của cụ tiến sĩ Nguyễn Kiều, còn ngôi mộ gần đó có bia ghi rõ ràng chỉ là ngôi mộ giả, vì thời xưa, những người có vị trí trọng yếu của triều đình phong kiến như vua, quan, đại thần... thường xây một ngôi mộ giả có bia và một ngôi mộ thật không bia, để tránh việc người khác có thù oán lén xâm hại huyệt mộ.

Bà Nguyễn Thị Sơn đặt giả thuyết nếu không phát hiện thấy gì dưới ngôi mộ chính danh, dòng họ cụ Nguyễn Kiều cũng muốn đề nghị các nhà khoa học cho xét nghiệm mẫu AND xác ướp cụ ông đã phát lộ cách đây 6 năm (gần mộ cụ Nguyễn Kiều) để xác định xem đấy có phải là di hài thật của cụ Nguyễn Kiều hay không. 

Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.