Ngày 29.8, BHXH Việt Nam đã có công văn gửi ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về việc đề nghị tiếp tục phối hợp chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.
Theo BHXH Việt Nam, năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu dùng và các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm. Trong nước, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, nhiều lao động nghỉ việc, giãn việc, gây áp lực lớn tới hệ thống an sinh xã hội.
Trong khi đó, tình trạng doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể chưa tham gia hoặc tham gia chưa đầy đủ BHXH, BHYT cho người lao động, tình trạng trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp vẫn diễn ra; người hưởng BHXH 1 lần gia tăng gây áp lực lớn cho việc mở rộng, phát triển người tham gia BHXH, BHYT.
Để khắc phục hiệu quả tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH và các hành vi trục lợi khác, hạn chế việc hưởng BHXH 1 lần, BHXH Việt Nam đề nghị các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với đơn vị sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan liên quan tập hợp hồ sơ, tài liệu chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý đối với các hành vi gian lận, trốn đóng, trục lợi BHXH, BHYT theo quy định.
Đặc biệt, BHXH Việt Nam đề nghị các địa phương không khen thưởng, vinh danh, không xem xét hồ sơ tham gia đấu thầu các dự án đầu tư công đối với đơn vị sử dụng lao động trốn đóng BHXH, BHYT; công khai rộng rãi các đơn vị trốn đóng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cùng với đó, thực hiện tốt việc chia sẻ, cung cấp thông tin về khai trình lao động của doanh nghiệp, kê khai, quyết toán thuế thu nhập cá nhân của các cơ quan quản lý về lao động, thuế... với cơ quan BHXH.
Tính đến hết ngày 31.7, số người tham gia BHXH đạt trên 36%, bảo hiểm thất nghiệp hơn 30% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia BHYT đạt khoảng 92,3% dân số.
Bình luận (0)