Có hai vấn đề được đại diện tiểu thương kiến nghị với Bí thư Thành ủy là Ban quản lý chợ cần sớm đẩy nhanh tiến độ sửa chữa chợ bởi mùa mưa đã đến, chợ xuống cấp ảnh hưởng rất lớn đến mãi lực. Thứ hai là lãnh đạo UBND Q.5 và cả Quận ủy Q.5, nếu đã đưa ra thời hạn sửa chữa chợ với tiểu thương, nên thực hiện đúng thời hạn, không nên khiến tiểu thương mất niềm tin thêm lần nữa.
Bà Phạm Kim Phượng, tiểu thương tại chợ, nói: “Việc có buổi bãi thị của tiểu thương chợ xảy ra vào ngày 19.9 vừa qua là giọt nước tràn ly của tập thể tiểu thương. Bởi trước đó những bức xúc của chúng tôi không ai giải quyết cả. Các cấp chính quyền nếu đặt vị trí mình trong vai trò của tiểu thương mới biết tại sao họ bức xúc đến vậy. Họp, trao đổi, lập biên bản nhưng chưa bao giờ thực hiện đúng biên bản cam kết. Hẹn tháng 8 làm, đến tháng 10 chưa thấy gì. Thế nên, sắp tới, chúng tôi mong chính quyền hãy thực hiện đúng những cam kết và lời hứa với tiểu thương. Thậm chí, lãnh đạo quận cũng nên có cam kết sẽ từ chức nếu không làm hết trách nhiệm và thời hạn đưa ra”.
Liên quan đến chính sách thu chi tại chợ, tiểu thương cũng kiến nghị với Bí thư Thành ủy nên có chính sách thu đồng nhất hoặc tương đương đối với 3 chợ truyền thống loại 1 tại TP.HCM là Bến Thành (Q.1), An Đông (Q.5) và Bình Tây (Q.6). Hiện tại, chợ An Đông đang bị thu cao nhất so với 2 chợ cùng cấp.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, không ai hiểu tiểu thương bằng chính tiểu thương. Thế nên, có khả năng trong tương lai bỏ ban quản lý chợ, suy nghĩ hướng lập hợp tác xã mua bán kiểu mới mà tiểu thương có thể tự quản tốt. Ông Nhân nhấn mạnh: “Thực tế, nhà nước không có nhu cầu đứng ra quản lý chợ đâu, nếu làm tốt, tiểu thương tự quản tốt, có thể không cần sự quản lý của nhà nước. Nên cần suy nghĩ hướng làm theo hợp tác xã mua bán kiểu mới theo hình thức tự quản trong tương lai”.
Về phản ánh “thất hứa” của chính quyền, Bí thư Thành ủy đề nghị Ban quản lý chợ và lãnh đạo Q.5 trả lời có dám cam kết với tiểu thương? Theo lãnh đạo Q.5, ngoài những lý do bất khả kháng như tổ chức đấu thầu không thành công, thời tiết quá xấu... quận tin tưởng sẽ thực hiện đúng tiến độ đã cam kết. Ông Nhân lưu ý thêm, trong hợp đồng với nhà thầu nên ghi rõ chậm tiến độ dự án ngày nào thì phải đền bù thiệt hại ra sao để ràng buộc mạnh hơn về trách nhiệm…
Dự án xử lý nước thải 1.500 tỉ đồng thiếu nước thải xử lý
Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Thiện Nhân làm việc với Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền về dự án nhà máy xử lý nước thải lưu vực Tham Lương - Bến Cát. Theo báo cáo của công ty, dự án nhà máy có tổng công suất 250.000 m3/ngày với vốn đầu tư 1.500 tỉ đồng, đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), chia thành nhiều giai đoạn. Đây là dự án có công suất lớn, chiếm khoảng 6% lượng nước thải của TP. Dự án được khởi công từ tháng 12.2015 và đưa vào vận hành tháng 7.2017. Khi vào hoạt động, dự án xử lý nước thải trên địa bàn lưu vực Tham Lương - Bến Cát gồm Q.Gò Vấp, Q.Bình Thạnh, Q.12, qua đó cải thiện chất lượng nguồn nước sông Vàm Thuật, sông Sài Gòn, nơi tiếp nhận nguồn nước thải của khoảng 700.000 dân. Đặc biệt, điện của nhà máy lấy từ hệ thống pin năng lượng mặt trời, có công nghệ khử trùng bằng tia UV có ưu điểm an toàn cho môi trường. Nước thải sau khi qua xử lý đạt tiêu chuẩn nước sạch có thể sử dụng được... Tuy nhiên, dự án vấp phải khó khăn vì chưa có nguồn nước thải thu gom, do dự án xây dựng hệ thống cống bao chưa được triển khai đồng bộ với xây dựng nhà máy, dẫn đến nhà máy hoàn thành nhưng không có nước thải để xử lý, gây lãng phí lớn. Chủ đầu tư kiến nghị TP ứng trước 200 tỉ đồng xây dựng hệ thống thu gom nước để nhà máy có nước xử lý.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân giao công ty này từ đây đến ngày 30.10 phải có báo cáo tổng thể dự án từ trước đến giờ và giao UBND TP có nhóm giải pháp để dự án có thể phát triển, hoạt động hiệu quả. Với kiến nghị liên quan đến số tiền 200 tỉ đồng, ông Nhân cho hay nếu công ty bỏ ra thì sau này TP tính toán trả cả vốn lẫn lãi chứ không “đổi” bằng đất bởi hiện quỹ đất của TP đã hết.
Trung Hiếu
|
Bình luận (0)