Trả lời bằng văn bản về kiến nghị trên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, trong những năm qua, Bộ GD-ĐT đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để từng bước nâng cao chất lượng, khắc phục "bệnh thành tích" trong giáo dục.
Tổ chức các phong trào thi đua bảo đảm thiết thực, hiệu quả; tinh giản các cuộc thi để giảm áp lực cho giáo viên và học sinh phổ thông; qua đó chất lượng giáo dục các cấp học và trình độ đào tạo đã có những chuyển biến tích cực.
Bộ GD-ĐT cũng khẳng định sẽ tiếp tục giao quyền chủ động cho các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, hướng vào việc phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện tốt phương pháp giáo dục tích cực; đổi mới cách đánh giá.
Thực hiện chuyển đổi số để công khai, minh bạch trong đánh giá kết quả học tập, thi cử, quản lý dữ liệu ngành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động GD-ĐT, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong ngành giáo dục.
Trước đó, vào tháng 8.2022, phát biểu tại hội nghị đẩy mạnh công tác xây dựng văn hoá học đường do Bộ GD-ĐT tổ chức, ông Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng - Văn hoá T.Ư (nay là Ban Tuyên giáo T.Ư), cho rằng: "Văn hóa dạy và học biến dạng xuống cấp bởi tình trạng chạy trường, chạy điểm, chạy bằng tốt nghiệp, sau tốt nghiệp thì chạy vào các cơ quan, đơn vị có nhiều bổng lộc... của học sinh, sinh viên và phụ huynh. Cùng đó là tình trạng chạy thành tích, chạy danh hiệu của các nhà quản lý giáo dục, của giáo viên, giảng viên"...
Theo ông Quát, đây thực sự là những "điểm nóng" của ngành giáo dục, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Bình luận (0)