Theo BĐBP Bình Thuận, trưa 15.2, tàu cá số hiệu BTh 89272, do ông Lê Văn Một (ngụ TP.Phan Thiết) làm thuyền trưởng, gặp nạn gần mỏ Sư Tử Vàng và cách TP.Phan Thiết khoảng 40 hải lý. Lúc này trên tàu cá, ngoài ông Một (thuyền trưởng kiêm chủ tàu cá), còn có thuyền viên Trần Văn Bé và 5 người khách thuê tàu cá đi câu gồm: Võ Trung Nghĩa (59 tuổi), Nguyễn Thanh Tuấn (51 tuổi), Nguyễn Văn Ngọc (60 tuổi, cùng ngụ Khánh Hòa), Nguyễn Ngọc Thiệt (57 tuổi, em ruột ông Ngọc) và Nguyễn Minh Hiếu (chưa rõ tuổi, cùng ngụ Bình Thuận).
Khi tàu bị chìm, các ông Nghĩa, Tuấn, Thiệt, Ngọc và Hiếu bám vào phao cứu sinh và thùng xốp; ông Một và Bé bị sóng đánh ra xa, mất tích. Đến sáng 16.2, các ông Thiệt, Ngọc và Hiếu do kiệt sức nên tử vong ngay trên biển. Ông Nghĩa, ông Tuấn đã dùng dây thừng trên phao cứu sinh buộc xác những người chết vào phao vì sợ chìm mất xác. Lúc này, ông Tuấn và Nghĩa vẫn bám chặt vào phao cứu sinh và thùng nhựa, được một tàu cá phát hiện và cứu vớt đưa vào bờ trong tình trạng hoảng loạn, kiệt sức.
Hiện BĐBP Bình Thuận đã chỉ đạo Đồn biên phòng Thanh Hải (TP.Phan Thiết), cùng gia đình các nạn nhân thuê phương tiện tàu cá của dân ra biển tìm kiếm những người mất tích và thi thể 3 người đã chết.
Theo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bình Thuận, hiện tình trạng thuê tàu cá ra biển đi câu cá giải trí đang có dấu hiệu gia tăng. Hoạt động thuê tàu ra biển câu giải trí là sai pháp luật, sai với quy định về quản lý phương tiện tàu cá. Hoạt động câu tiêu khiển trên biển tiềm ẩn rủi ro rất cao, do người đi câu giải trí thường không có kỹ năng hoạt động trên biển, đặc biệt là trong điều kiện sóng to, gió lớn.
Thời gian qua, BĐBP Bình Thuận đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng này, nhưng do ven biển Bình Thuận dài (192 km) lại có nhiều bãi ngang, nhiều bến bãi neo đậu tàu cá, nên việc kiểm soát khó khăn.
Bình luận (0)