|
Chủ trì phiên họp, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng khẳng định công tác nhân sự là công việc hệ trọng, do đó quyết định miễn nhiệm, phê chuẩn của các đại biểu đối với nhân sự, lãnh đạo cấp cao cũng vô cùng quan trọng.
Báo cáo trước QH, Thủ tướng cho biết, tại kỳ họp thứ nhất khóa 13, Thủ tướng đã trình QH cơ cấu nhân sự và được QH phê duyệt gồm 22 bộ và cơ quan ngang bộ, riêng Phó thủ tướng gồm 4 người là một Phó thủ tướng theo dõi chỉ đạo khối kinh tế tổng hợp, chính sách phát triển nông thôn; một người theo dõi kinh tế ngành và phát triển sản xuất; một người phụ trách khối văn hóa, xã hội, khoa học, giáo dục; và một người chỉ đạo khối nội chính và trực tiếp làm Phó ban thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng. Theo dự định ban đầu, Thủ tướng sẽ đề nghị QH phê chuẩn 5 Phó thủ tướng, trong đó một người trực tiếp làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên để có thời gian chuẩn bị nên chỉ đề nghị QH xem xét và phê chuẩn chức danh Bộ trưởng Ngoại giao, khi có đủ điều kiện sẽ trình QH bổ nhiệm thêm chức danh Phó thủ tướng. “Nay xét thấy có đủ điều kiện, Thủ tướng trân trọng đề nghị QH phê duyệt một Phó thủ tướng để phân công trực tiếp làm nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, giúp Thủ tướng theo dõi công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế”, Thủ tướng đề nghị.
Trong báo cáo thẩm tra ngay sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu rõ các ý kiến trong ủy ban này đều nhất trí việc bổ sung một Phó thủ tướng theo dõi, chỉ đạo công tác đối ngoại, trực tiếp làm Bộ trưởng Ngoại giao là hết sức cần thiết. Mặt khác, quá trình thực hiện nghị quyết của QH từ đầu kỳ khóa 13 cho thấy khối lượng công tác đối ngoại càng tăng, đặc biệt trong bối cảnh đất nước ngày càng mở rộng hội nhập quốc tế, còn Thủ tướng phải dành nhiều thời gian chỉ đạo công việc chung của Chính phủ. Do đó Ủy ban Pháp luật đồng ý với đề xuất tăng số lượng từ 4 lên 5 Phó thủ tướng như tờ trình của Chính phủ.
Cũng liên quan đến vấn đề nhân sự, Thủ tướng trình bày tờ trình về việc miễn nhiệm chức vụ Phó thủ tướng đối với ông Nguyễn Thiện Nhân. Theo đó, ngày 5.9.2013, tại hội nghị của Ủy ban T.Ư MTTQ VN, ông Nhân được hiệp thương giữ chức Chủ tịch MTTQ. Vào ngày 11.10.2013, tại Công văn số 175, Bộ Chính trị cũng đề nghị Chính phủ trình QH phê chuẩn về việc ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ được thôi giữ chức vụ này.
Lấy ý kiến chặt chẽ của dân trước khi lập đồ án Chiều 11.11, thảo luận tại tổ về dự thảo luật Xây dựng sửa đổi, ngoài các vấn đề về cấp phép xây dựng, chất lượng công trình... các đại biểu đề nghị phải bổ sung vấn đề quy hoạch xây dựng vào phạm vi điều chỉnh của luật. Nguyên nhân, thời gian qua do quy hoạch kém nên nhiều khu đô thị, dự án treo gây bức xúc trong dân. ĐB Lê Trọng Sang (TP.HCM) đề nghị quy định trách nhiệm của các tư vấn, thẩm định, lập và phê duyệt đồ án quy hoạch. Lấy ý kiến chặt chẽ của người dân trước khi lập đồ án, như vậy sẽ hạn chế được tiêu cực, ngăn chặn được sự thông đồng, móc ngoặc giữa các đơn vị. Bên cạnh đó, ĐB đề xuất ngoài các đồ án quy định Chính phủ, UBND tỉnh được chỉ định thầu vì nhiệm vụ kinh tế xã hội cấp bách, các đồ án còn lại phải đấu thầu đơn vị tư vấn, tạo sân chơi bình đẳng, công khai minh bạch. ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) đề nghị cần nói rõ hơn quy định vùng, quy hoạch đô thị, không để tình trạng quy hoạch xong rồi lại tiếp tục điều chỉnh, xé nhỏ. Cùng ngày, các ĐB cho ý kiến về dự thảo luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tập trung các nội dung như lập dự án phải có đánh giá tác động môi trường; xử lý hình sự đối với các doanh nghiệp gây ô nhiễm làm thiệt hại cho xã hội, dân chúng... |
Anh Vũ
Bình luận (0)