Trong năm 2022, tín dụng của ngành ngân hàng trên địa bàn TP.HCM tăng 14% so với cuối năm trước - mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm gần đây (năm 2021 tăng 11,86%, năm 2020 tăng 10,35%, năm 2019 tăng 13,67%). Tỷ lệ nợ cho vay trên nguồn vốn huy động của ngành ngân hàng trên địa bàn thành phố xấp xỉ 100%. Cơ cấu tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ trọng tâm.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết 2022 ngày 12.1 |
T.Xuân |
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết TPHCM là đầu tàu kinh tế, kỳ vọng ngân hàng tập trung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong thời gian qua, việc kiểm soát lạm phát đã có lúc thắt chặt chính sách tiền tệ, do đó kiến nghị tín dụng trong thời gian tới cần được linh hoạt vào những hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tín dụng cần tập trung vào đối tượng là công nhân, sinh viên (chiếm 1/3 dân số trên địa bàn) nhằm đảm bảo an sinh và đảm bảo an ninh, hạn chế tín dụng đen.
Ông Phạm Tiến Dũng - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước đồng tình với kiến nghị của ông Phan Văn Mãi về tín dụng đối với công nhân, sinh viên. Ông cho rằng: “Chúng ta chỉ có thể xóa tín dụng đen bằng cách cung cấp tín dụng xanh, sạch, rẻ. Chừng nào người dân còn đến tổ chức tín dụng vay 50 triệu đồng với 1 tập thủ tục, thời gian lâu thì họ sẽ đi tìm nguồn tín dụng khác. Quan trọng nhất trong triển khai cho vay nhanh là dữ liệu dân cư để xác định danh tính người vay. Tôi hy vọng Thông tư 39/2016 (quy định về hoạt động cho vay của ngân hàng - PV) đang sửa hiện nay sớm áp dụng sẽ giải quyết được vấn đề triển khai cho vay nhanh của các tổ chức tín dụng. Tại Thông tư dự thảo có quy định cho vay bằng phương tiện điện tử để triển khai cho người dân vay nhanh trong thời gian tới”.
Bình luận (0)