Thận trọng với những lời dụ vay vốn, rút tiền mặt từ thẻ tín dụng cuối năm

Thanh Xuân
Thanh Xuân
05/01/2023 18:29 GMT+7

Nhu cầu tiền mặt của người dân thời điểm cuối năm thường gia tăng nên kẻ gian thường tung ra chiêu cho vay, rút tiền từ thẻ tín dụng hay việc nhẹ lương cao… để lừa đảo.

Thông qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo…, kẻ lừa đảo sử dụng logo, phòng giao dịch, hình ảnh của nhân viên ngân hàng… liên hệ với khách hàng để giới thiệu các gói vay vốn hấp dẫn hoặc cung cấp dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, hỗ trợ nâng hạn mức thẻ tín dụng. Cụ thể, sau khi tiếp cận được khách hàng có nhu cầu vay vốn, kẻ lừa đảo giả mạo văn bản xác nhận có chữ ký lãnh đạo ngân hàng gửi cho khách hàng được giải ngân khoản vay. Kèm theo đó là yêu cầu khách nộp trước một khoản tiền, phí hoặc yêu cầu khách đóng một khoản tiền để xóa nợ xấu, phí hồ sơ hoàn tất thủ tục. Sau khi nhận được tiền, đối tượng lừa đảo chặn toàn bộ liên lạc với khách hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.

Khách hàng thận trọng với những chiêu lừa đảo cuối năm

Ngọc thắng

Riêng đối với thẻ tín dụng, các đối tượng mời chào khách hàng trả góp qua thẻ tín dụng, rút tiền mặt hoặc nâng hạn mức thẻ tín dụng… Chúng sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin thẻ cũng như mã OTP để hoàn tất thủ tục. Nếu khách hàng cung cấp mã này, đối tượng lừa đảo sẽ chiếm đoạt tiền qua các giao dịch thanh toán mua sắm online, ví điện tử…

Theo Agribank, quy trình vay vốn, cấp tín dụng tại ngân hàng hiện minh bạch, khách hàng liên hệ trực tiếp ngân hàng để vay vốn. Vì vậy, khách hàng tuyệt đối nâng cao cảnh giác trước bất kỳ lời mời chào vay vốn từ các số điện thoại cá nhân, yêu cầu kết bạn Facebook, Zalo; yêu cầu chuyển trước các khoản tiền phí, đặt cọc… Ngoài ra, nhà băng này cũng khuyến nghị khách hàng tránh làm cộng tác viên đặt đơn hàng ảo. Công việc yêu cầu đặt mua các đơn hàng ảo nhưng chuyển khoản thanh toán thật, sau đó sẽ được nhận lại tiền gốc cộng hoa hồng từ 10% đến 20%. Các đơn hàng đầu tiên thường trị giá nhỏ từ 1 đến 2 triệu đồng. Cộng tác viên sau khi chuyển khoản đều được đối tượng báo nhiệm vụ thành công và chuyển trả đầy đủ tiền gốc, cộng thêm hoa hồng như cam kết để lấy lòng tin. Tiếp đó, đối tượng sẽ gửi nhiệm vụ lớn hơn có giá trị lên đến hàng chục triệu đồng, rồi báo lỗi, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ khác, đủ điều kiện mới được hoàn lại tất cả các đơn bị lỗi trước đó.

Ngoài ra, các ngân hàng còn khuyến cáo khách hàng về thủ đoạn lừa đảo giả mạo tin nhắn của khách hàng. Thủ đoạn khá tinh vi mà kẻ gian sử dụng công nghệ chèn tin nhắn giả mạo vào thư mục tin nhắn mang thương hiệu ngân hàng. Kèm theo nội dung tin nhắn là đường link giả mạo để khách hàng đăng nhập nhằm lấy thông tin tài khoản, OTP của khách hàng. Những tin nhắn có đường link yêu cầu khách hàng đăng nhập là giả mạo. Chính vì vậy, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng không đăng nhập vào những đường link có sẵn nhận được, kể cả tin nhắn nằm trong thư mục ngân hàng nhằm tránh mất tiền trong tài khoản.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.