(TNO) Sau gần 1 năm điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Nguyễn Đức Kiên (49 tuổi) nguyên Phó chủ tịch hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB cùng 7 bị can khác về 4 tội danh, gồm: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trái phép, trốn thuế và cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
>> Bầu Kiên bị khởi tố thêm tội trốn thuế
>> ACB cho 6 công ty có liên quan đến “bầu Kiên” vay hơn 3.500 tỉ đồng
>> Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời về vụ bầu Kiên bị bắt
>> Làng bóng đá “giật mình” nghe tin bầu Kiên bị bắt
>> Bắt tạm giam, khám xét nơi ở đối với bầu Kiên
Cơ quan cảnh sát điều tra xác định, ông Nguyễn Đức Kiên tức bầu Kiên đã chỉ đạo Công ty ACBI ký hợp đồng thế chấp hơn 22 triệu cổ phần của Công ty cổ phần thép Hoà Phát vào ngân hàng ACB để đảm bảo cho việc công ty này phát hành trái phiếu trị giá 800 tỉ đồng.
Mặc dù biết số cổ phần này đang bị thế chấp và chưa được sự đồng ý của Ngân hàng ACB nhưng ông Kiên với tư cách Chủ tịch HĐQT Công ty ACBI đã chỉ đạo cấp dưới lập khống một số giấy tờ để bán số cổ phần này, qua đó chiếm đoạt 264 tỉ đồng.
Về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng của ông Kiên, cơ quan cảnh sát điều tra xác định với tư cách là Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, ông Kiên biết rõ quy định của Ngân hàng Nhà nước về trần lãi suất và các quy định kinh doanh chứng khoán nhưng vẫn đề xuất, chỉ đạo Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ra chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng; ra chủ trương cấp tín dụng cho Công ty TNHH chứng khoán ACB mua cổ phiếu Ngân hàng ACB sai quy định, gây hậu quả nghiêm trọng đến việc thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ của Nhà nước, thu lợi bất chính cho nhóm cổ đông Ngân hàng ACB hơn 256 tỉ đồng và trực tiếp gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB hơn 1.407 tỉ đồng.
Bầu Kiên - Ảnh: Hoàng Trang
Ông Kiên cũng bị cáo buộc chỉ đạo ủy thác cho 19 nhân viên Ngân hàng ACB gửi tiền vào Ngân hàng Vietinbank sau đó đã bị Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh TP.HCM chiếm đoạt, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB gần 719 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, bầu Kiên còn bị cáo buộc có hành vi trốn thuế với số tiền 25 tỉ đồng trong việc kinh doanh vàng giữa Công ty B&B do ông ta làm Chủ tịch HĐQT với Ngân hàng ACB.
Theo kết luận điều tra, do thời điểm cuối năm 2009, giá cổ phiếu của Ngân hàng ACB bị giảm sút, ông Nguyễn Đức Kiên và thường trực HĐQT ACB đã bàn nhau dùng tiền của ngân hàng này thông qua Công ty ACBS (do ACB sở hữu) để mua lại cổ phiếu của ACB. Qua đó, Ngân hàng ACB cấp cho Ctông ty ACBS 1.500 tỉ đồng nhưng công ty này lại tiếp tục cấp cho một số công ty con của bầu Kiên để đứng tên mua hơn 52,5 triệu cổ phiếu ACB. Đến nay, mới thu về hơn 364 tỉ tiền gốc, còn lại 1.193 tỉ đồng chưa thu về được, trong khi cổ phiếu ACB còn lại hơn 19,5 triệu cổ phiếu, bị mất 32,9 triệu cổ phiếu, gây thiệt hại hơn 614 tỉ đồng.
Theo cơ quan điều tra, việc ACB chuyển 1.500 tỉ đồng lòng vòng để mua chính cổ phiếu của mình cũng đã gây thiệt hại hơn 74 tỉ đồng. Chịu trách nhiệm về hành vi gây thiệt hại, thất thoát trên là bầu Kiên và các thành viên thường trực HĐQT ACB.
Trong quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã kê biên 3 bất động sản do Nguyễn Đức Kiên và vợ đứng tên sở hữu tại P.12, Q.Phú Nhuận, TP.HCM; P.12, Q.10, TP.HCM và hơn 2.400 m2 đất tại P.13, Q.Bình Thạnh, TP.HCM.
Được biết, 7 bị can đồng phạm với Nguyễn Đức Kiên, gồm: ông Trần Xuân Giá, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB; ông Lê Vũ Kỳ; ông Phạm Trung Cang; ông Trịnh Kim Quang, đều nguyên là Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB và ông Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng ACB cùng Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội; Nguyễn Thị Hải Yến, Kế toán trưởng Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội.
Thái Sơn - Hoàng Trang
Bình luận (0)