Đề nghị truy tố cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cùng 50 bị can

Trần Cường
Trần Cường
25/02/2024 07:02 GMT+7

Ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC, và 50 người vừa bị đề nghị truy tố trong vụ án thao túng chứng khoán xảy ra tại Tập đoàn FLC và các công ty, đơn vị liên quan.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung và đề nghị truy tố 51 bị can trong vụ án "thao túng thị trường chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) và các công ty, đơn vị liên quan.

Trước đó, hồi tháng 10.2023, C01 hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 21 bị can trong vụ án này ở 2 nhóm tội thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, Viện KSND tối cao đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhằm "bảo đảm việc truy tố". Quá trình điều tra bổ sung, C01 đã khởi tố thêm 30 bị can.

Đề nghị truy tố cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cùng 50 bị can- Ảnh 1.

Cơ quan Cảnh sát điều tra khám xét trụ sở FLC tối 29.3.2022

THÁI SƠN

Trong số 51 bị can bị đề nghị truy tố lần này có 13 bị can bị đề nghị truy tố tội thao túng thị trường chứng khoán; 23 bị can bị đề nghị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 4 bị can bị đề nghị truy tố tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; 3 bị can bị đề nghị truy tố tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán; 8 bị can bị đề nghị truy tố 2 tội thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC.

Theo kết luận điều tra bổ sung, từ 26.5.2017 - 10.1.2022, ông Quyết đã chỉ đạo em gái là Trịnh Thị Minh Huế cùng cùng đồng phạm thao túng thị trường chứng khoán đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART, qua đó thu lợi bất chính hơn 723 tỉ đồng.

Đề nghị truy tố thêm 30 bị can vụ ông Trịnh Văn Quyết thao túng chứng khoán

C01 cũng xác định từ năm 2014 - 9.2016, ông Quyết còn chỉ đạo các cá nhân là lãnh đạo, nhân viên Công ty Faros, các công ty thuộc Tập đoàn FLC; người thân, họ hàng đứng tên làm cổ đông góp vốn, thực hiện các thủ đoạn lập và ký khống hồ sơ góp vốn, nâng khống hơn 3.102 tỉ đồng vốn góp vào Công ty Faros làm tăng vốn điều lệ của công ty từ 1,5 tỉ đồng lên hơn 4.300 tỉ đồng; sau đó tạo lập hồ sơ, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán chấp thuận đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu ký chứng khoán và niêm yết 430 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống của Công ty Faros tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Sau khi niêm yết cổ phiếu của Công ty Faros trên sàn chứng khoán, từ tháng 9.2016 - 3.2022, ông Quyết cùng đồng phạm đã bán hơn 391 triệu cổ phiếu được hình thành từ vốn góp khống nắm giữ tại Công ty Faros thu được hơn 4.818 tỉ đồng, trong đó chiếm đoạt hơn 3.620 tỉ đồng của các nhà đầu tư.

Ngoài những người giúp ông Quyết thực hiện hành vi phạm tội, C01 còn làm rõ sai phạm của các cá nhân thuộc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận đăng ký công ty đại chúng, lưu ký chứng khoán và niêm yết cổ phiếu.

C01 đã khởi tố 4 bị can thuộc Sàn Giao dịch chứng khoán TP.HCM về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và 3 bị can thuộc Vụ Giám sát công ty đại chúng (Ủy ban Chứng khoán nhà nước) và Trung tâm lưu ký chứng khoán VN về tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.

Xem nhanh 12h ngày 24.2: Đề nghị truy tố ông Trịnh Văn Quyết | Sắp kê biên 200 miếng vàng vụ án Alibaba

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.