Nhiều nhân viên y tế “sập bẫy”
Hải tại cơ quan công an - Ảnh: Đàm Huy |
Theo kết luận điều tra, năm 1989, Hải theo học tại Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM. Đến 1994, Hải xin vào làm việc tại Trung tâm tai mũi họng TP.HCM; đến 2006 đi tu nghiệp ngành thính học tại Mỹ. Sau khi học ở Mỹ về, năm 2010, Hải đã sử dụng bằng tốt nghiệp đại học (ĐH) ngành y giả xin vào làm giảng viên của Khoa Y thuộc Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng tại TP.HCM. Ngày 1.4.2010, ĐH Hồng Bàng đã nhận Hải vào giảng dạy nhưng bị sinh viên tố cáo tự ý thu học phí, không có biên lai khiến các sinh viên không thể làm thủ tục đăng ký nhập học. Ngày 15.3.2011, ĐH Hồng Bàng cho Hải nghỉ việc. Đầu tháng 6.2012, Hải lại sử dụng bằng ĐH ngành y giả nói trên làm hồ sơ xin phép Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TP.HCM để thành lập Chi hội Y tế tình nguyện, do Hải làm chi hội trưởng. Trong quá trình hoạt động, chi hội đã xảy ra nhiều sai phạm, không minh bạch về tài chính nên các thành viên trong ban chấp hành xin rút ra khỏi chi hội; đồng thời có đơn tố cáo Hải sử dụng bằng giả. Qua kiểm tra, Hội đã phát hiện Hải sử dụng bằng ĐH giả nên ra quyết định chấm dứt hoạt động. Điều đáng nói, trong quá trình vận động quyên tiền, lập các đoàn khám bệnh tình nguyện từ thiện trong và ngoài nước, Hải đã gạ gẫm bán được số lượng lớn bằng tốt nghiệp ngành y giả, thu lợi bất chính.
Từ 2010 - 2013, Hải đã nhận đơn “đặt hàng” của hàng chục khách hàng mua bằng tốt nghiệp trung học, ĐH để trở thành y sĩ, bác sĩ; thu lợi hơn 400 triệu đồng. Điển hình, năm 2010, Hải đã gạ L.Đ.Quang (trước đó học ngành y ở ĐH Hồng Bàng) mua bằng “y sĩ đa khoa” và bằng “bác sĩ răng hàm mặt” giả với giá 30 triệu đồng/bằng. Đang làm điều dưỡng tại một bệnh viện ở TP.HCM, V.C.Lượng muốn học lên làm bác sĩ nhưng không có thời gian nên đã nhờ Hải làm bằng trung học chuyên nghiệp y sĩ đa khoa của ĐH Y Dược TP.HCM với giá 40 triệu đồng. Sau đó, Hải tiếp tục giúp Lượng làm thủ tục, hồ sơ thi chuyên tu bác sĩ với giá 50 triệu đồng, đưa trước 30 triệu đồng. Nhưng đến ngày thi, không thấy giấy báo thi, Lượng đã đòi lại được 20 triệu đồng, sau đó Hải tránh né quỵt số tiền còn lại. Đầu năm 2013, thông qua giới thiệu của đồng nghiệp, bà N.T.P.Huyền (nhân viên Trung tâm y tế dự phòng của một quận ở TP.HCM) đã đưa Hải 30 triệu đồng nhờ “lo” hồ sơ thủ tục cho bà thi vào lớp bác sĩ tại chức ngoài giờ. Đến ngày nhập học nhưng bà Huyền không nhận được thông báo đi học nên đến công an trình báo...
Cơ quan công an đã làm rõ Hải chỉ học nghề dược tá và làm y tế cộng đồng.
Đàm Huy
>> Triệt phá đường dây chuyên sản xuất bằng giả
>> Dùng bằng giả làm giảng viên thật
>> Phá đường dây làm bằng giả
Bình luận (0)