Ngày 17.7, phiên tòa xét xử đại án "chuyến bay giải cứu" quay trở lại làm việc sau 2 ngày tạm nghỉ. Đại diện Viện KSND TP.Hà Nội (Viện kiểm sát) trình bày bản luận tội, đề nghị mức án đối với 54 bị cáo.
Sai phạm trắng trợn, nhận số tiền "khủng"
Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, là người duy nhất bị đề nghị mức án tử hình về tội nhận hối lộ. Viện kiểm sát cáo buộc, bị cáo Kiên nhận tiền từ các doanh nghiệp (DN) nhiều nhất với tổng số lên tới 42,6 tỉ đồng, thủ đoạn phạm tội cũng trắng trợn nhất khi ép buộc DN phải chi tiền "bôi trơn". Sai phạm bị phát hiện, bị cáo Kiên trả lại tiền cho một số DN nhưng lại nhờ họ khai báo đây là tiền vay mượn, hòng che giấu hành vi phạm pháp.
Ngoài bị cáo Kiên, 20 bị cáo bị đề nghị cùng tội danh, với mức án từ 2 - 20 năm tù. Trong đó, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng nhận 21,5 tỉ đồng, bị đề nghị mức án 12 - 13 năm tù; Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó thủ tướng, nhận hơn 4,2 tỉ đồng, bị đề nghị 7 - 8 năm tù; cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Thị Hương Lan nhận 25 tỉ đồng, bị đề nghị 18 - 19 năm tù; cựu Đại sứ VN tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam nhận hơn 1,8 tỉ đồng, bị đề nghị 4 - 5 năm tù; cựu Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng nhận hơn 2 tỉ đồng, bị đề nghị 4 - 5 năm tù; cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân nhận 5 tỉ đồng, bị đề nghị 8 - 9 năm tù...
23 bị cáo là đại diện các DN liên quan trực tiếp đến việc tổ chức chuyến bay đưa công dân về nước, cùng bị đề nghị phạm tội đưa hối lộ. Trong đó, bị cáo Lê Hồng Sơn, cựu Tổng giám đốc Công ty Bluesky; và bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, cựu Phó giám đốc Công ty Bluesky, cùng đưa hối lộ lên tới hơn 100 tỉ đồng, lần lượt bị đề nghị các mức án 11 - 12 năm tù và 10 - 11 năm tù. Những người còn lại bị đề nghị thấp nhất 18 tháng tù, cao nhất đến 9 năm tù.
Toàn cảnh đề nghị bản án trong đại án "chuyến bay giải cứu": Đề nghị án tử hình cho bị cáo đòi nhận hối lộ trắng trợn nhất
Bị đề nghị phạm tội môi giới hối lộ có 4 bị cáo. Trong đó, cựu thiếu tướng, cựu Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn bị đề nghị 6 - 7 năm tù; 3 người còn lại bị đề nghị thấp nhất 2 năm tù, cao nhất đến 4 năm tù.
Hai bị cáo bị đề nghị phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng 5 (Cục An ninh điều tra Bộ Công an), cựu điều tra viên chính thụ lý vụ án, bị đề nghị 19 - 20 năm tù. Người còn lại là Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty CP xây dựng Thái Hòa, bị đề nghị 14 - 15 năm tù.
4 bị cáo bị đề nghị tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trong đó, cựu Đại sứ VN tại Malaysia Trần Việt Thái bị đề nghị 5 - 6 năm tù; 3 người còn lại bị đề nghị thấp nhất 2 năm tù, cao nhất đến 5 năm tù.
Vụ 'chuyến bay giải cứu': Kiến nghị điều tra trách nhiệm Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên
Điển hình cho các vụ án về tham nhũng
Theo đại diện Viện kiểm sát, vụ án "chuyến bay giải cứu" là điển hình cho các vụ án về tham nhũng, tiêu cực bị phát hiện, xử lý trong thời gian qua. Vụ án có quy mô, tính chất đặc biệt phức tạp, số bị cáo ở nhiều bộ, ngành, địa phương. Hành vi phạm tội của các bị cáo đặc biệt nguy hiểm, nhận hối lộ với số tiền đặc biệt lớn, xảy ra ngay trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, bị cả xã hội lên án gay gắt.
Trước sự ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, Chính phủ tổ chức các "chuyến bay giải cứu" và "chuyến bay combo" đưa hơn 200.000 công dân mắc kẹt ở nước ngoài về nước. Chủ trương này thể hiện chính sách nhân đạo, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo hộ cũng như sức khỏe, tính mạng của người dân.
Quá trình phòng, chống dịch, các cơ quan ngoại giao của VN trên khắp thế giới không ngừng nỗ lực vận động ngoại giao vắc xin, bảo hộ công dân. Hàng nghìn nhân viên y tế bất chấp sức khỏe, tính mạng của bản thân để toàn tâm, toàn lực vì sự an toàn của người dân.
Xem nhanh 20h: Cựu thư ký thứ trưởng bật khóc
Kiến nghị mở rộng điều tra nhiều vấn đề
Bên cạnh đề nghị mức án đối với 54 bị cáo, đại diện Viện kiểm sát cũng kiến nghị mở rộng điều tra hàng loạt vấn đề quan trọng tại giai đoạn 2 của vụ án "chuyến bay giải cứu".
Một là, từ hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Trung Kiên, cần điều tra, xem xét trách nhiệm của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Ông Tuyên là người có thẩm quyền ký văn bản về ý kiến của Bộ Y tế đối với kế hoạch tổ chức chuyến bay của Bộ Ngoại giao. Bị cáo Kiên là thư ký, trình các văn bản để ông Tuyên ký.
Hai là, liên quan đến phi vụ "chạy án" 61 tỉ đồng, với sự liên quan của bị cáo Nguyễn Anh Tuấn và Hoàng Văn Hưng, việc ông Hưng nói cho ông Tuấn biết mình là điều tra viên, nhiều lần gặp đối tượng bị điều tra và hướng dẫn lời khai… có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp, cần xem xét và xử lý.
Ba là, một số bị cáo có dấu hiệu thực hiện hành vi "rửa" tiền, cũng cần được xem xét, điều tra, xử lý nếu có sai phạm.
Thế nhưng, một số lãnh đạo, cán bộ đã lợi dụng chủ trương của nhà nước để trục lợi bằng cách gây khó khăn, nhũng nhiễu, tạo cơ chế xin - cho, buộc DN nâng giá vé máy bay để có chi phí "bôi trơn", đưa hối lộ; làm mất đi bản chất tốt đẹp của chính sách đang triển khai; phản bội lại sự cố gắng của đồng chí, đồng đội.
Trong số 54 bị cáo, có đủ căn cứ xác định 21 người đã nhận tiền của DN để trình, duyệt, cấp phép chuyến bay, phạm vào tội nhận hối lộ. Có 2 dạng vi phạm của nhóm này: thứ nhất là đưa ra yêu cầu, thỏa thuận, mặc cả về giá, buộc DN đưa tiền; thứ hai là gây khó khăn trong quá trình thẩm định, xét duyệt, dẫn tới "luật bất thành văn" rằng DN phải chi tiền thì mới được cấp phép.
Khi xét xử, một số bị cáo đã có sự lập lờ khi cho rằng việc nhận tiền là do DN cảm ơn. Tuy nhiên, kiểm sát viên khẳng định đây là việc đánh tráo khái niệm cực kỳ nguy hiểm, tạo ra tiền lệ xấu cho xã hội, cần phải có nhận thức đúng đắn nhằm loại bỏ thứ "văn hóa phong bì". Các bị cáo đang làm nhiệm vụ của mình, không thể có chuyện DN cảm ơn số tiền bằng cả gia tài mà nhiều người mơ ước; hoặc buộc người đưa phải chi tiền. Chưa kể, số tiền mà các bị cáo nhận là đặc biệt lớn, trong khi Đảng, Nhà nước và người dân đang chắt chiu từng đồng để mua sắm vắc xin chống dịch.
Bình luận (0)