Đề nghị tuyên phạt bị cáo Hoàng Công Lương 30 - 36 tháng tù treo

23/05/2018 12:14 GMT+7

Sáng 23.5, phiên tòa xét xử vụ án vô ý làm chết người và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp tục với phần tranh luận.

Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hòa Bình (được ủy quyền của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình) đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Bùi Mạnh Quốc (32 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty Trâm Anh) 5 - 6 năm tù về tội vô ý làm chết người; bị cáo Trần Văn Sơn 4 - 5 tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; bị cáo Hoàng Công Lương từ 30 - 36 tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm.
Theo bản luận tội đại diện Viện kiểm sát đọc tại tòa, qua xét hỏi công khai và lời khai của các bị cáo, người tham gia tố tụng tại phiên tòa, Viện Kiểm sát nhân dân có đủ căn cứ xác định 9 bệnh nhân (theo cáo trạng của Viện kiểm sát tỉnh Hòa Bình là 8, sau đó, luật sư bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân công bố thêm 1 nạn nhân tử vong vào tháng 2 vừa qua và tòa đã chấp nhận - phóng viên) tử vong trong sự cố chạy thận là do tồn dư lượng a xít trong hệ thống máy lọc thận.
Đối với Bùi Mạnh Quốc, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, tháng 5.2017, bị cáo đã liên hệ với bị cáo Trần Văn Sơn đến sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO tại bệnh viện.
Tại tòa, bị cáo Quốc thừa nhận đã sử dụng các chất tẩy rửa, trong đó có 2 loại a xít không được phép sử dụng trong y tế, để lọc rửa màng hệ thống máy lọc nước chạy thận ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Kết luận của cơ quan giám định Bộ Công an thể hiện, các nạn nhân tử vong do ngộ độc  a xít. Bùi Mạnh Quốc là người có trình độ, năng lực và biết rõ quy trình hệ thống máy lọc nước chạy thận, do đó, hành vi của bị cáo có đủ yếu tố cấu thành tội vô ý làm chết người.
Sáng 28.5.2017, sau khi sửa xong hệ thống máy, Bùi Mạnh Quốc đã điện thoại báo cho bị cáo Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng Vật tư Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình). Sau đó, bị cáo Sơn tiếp tục thông báo cho một số cán bộ khoa Hồi sức của bệnh viện.
Vào ngày 29.5, ngày xảy ra sự cố, khi đến cơ quan, bị cáo Sơn biết rõ chưa lấy mẫu nước đưa đi xét nghiệm theo quy định và thấy máy chạy thận hoạt động nhưng không có phản ứng gì. Viện Kiểm sát đánh giá bị cáo Sơn là cán bộ chuyên về máy móc, thiết bị nên phải biết rõ hệ thống máy lọc thận.
Khi sự cố xảy ra, bị cáo Sơn để mặc cho Đơn nguyên thận vận hành máy lọc thận RO số 2 để xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Viện kiểm sát: Không có chuyện mớm cung với bị cáo Hoàng Công Lương
Với bị cáo Hoàng Công Lương, Viện Kiểm sát cho rằng, bản thân bị cáo đã được đào tạo kỹ thuật lọc máu chạy thận tại Bệnh viện Bạch Mai. Do đó, bị cáo Lương được ông Hoàng Đình Khiếu, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, nguyên trưởng khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện, giao phụ trách chuyên môn tại Đơn nguyên thận.
Trong quá trình điều tra, bị cáo Lương khai các nội dung đều thể hiện rõ việc phân công nhiệm vụ này trong các cuộc họp giao ban. Lời khai của bị cáo Lương đều phù hợp với lời khai của các đồng nghiệp là cán bộ, nhân viên tại khoa Hồi sức và tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Các bị cáo tại phiên tòa sáng 23.5 Ảnh Phi Hùng
Cơ quan điều tra thu giữ 2 cuốn sổ họp giao ban, trong đó có nội dung lãnh đạo bệnh viện và khoa Hồi sức đã giao nhiệm vụ cho bị cáo Lương và những người khác. Việc ghi thêm nội dung phân công nhiệm vụ cho bị cáo Lương trong sổ họp giao ban sau khi sự cố xảy ra không ảnh hưởng đến các nội dung như cáo trạng truy tố.
Tại tòa, bị cáo Lương phủ nhận những lời khai về việc được phân công nhiệm vụ phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo. Các luật sư cho rằng bị cáo được mớm cung để thể hiện trách nhiệm của bị cáo Lương trong vụ án. Tuy nhiên, Viện kiểm sát khẳng định, các tài liệu chứng minh nhiệm vụ của bị cáo Lương rất khách quan, không có dấu hiệu mớm cung. Những đồng nghiệp của bị cáo Lương đã cùng khai thể hiện bị cáo này được phân công nhiệm vụ rõ ràng.
Do đó, Viện Kiểm sát khẳng định có đủ căn cứ kết luận với vị trí và nhiệm vụ của mình, bị cáo Lương phải biết rõ tình trạng nguồn nước dùng để chạy máy lọc thận. Tuy nhiên, sáng 29.5.2017, bị cáo Lương mới chỉ nghe đồng nghiệp báo đã sửa xong máy lọc, đã ra y lệnh chạy máy khiến sự cố xảy ra làm 9 người tử vong.
Viện Kiểm sát cho rằng bị cáo Lương là người ra y lệnh cuối cùng. Y lệnh này thể hiện trách nhiệm của người được giao nhiệm vụ. Hành vi của bị cáo thuộc trường hợp vô ý phạm tội, làm giảm uy tín của bệnh viện, gây hoang mang cho quần chúng và gây thiệt hại cho bệnh viện.

Hàng loạt bác sĩ, điều dưỡng thay đổi lời khai

Cũng trong phiên tòa sáng nay, một loạt các nhân viên y tế tại Đơn nguyên thận nhân tạo đã thay đổi lời khai tại cơ quan điều tra về việc có chứng kiến ông Hoàng Đinh Khiếu phân công nhiệm vụ phụ trách Đơn nguyên cho bị cáo Hoàng Công Lương. Trả lời câu hỏi của luật sư tại tòa, các nhân viên y tế khẳng định họ không chứng kiến việc này và cam kết lời khai tại tòa là đúng sự thật.

Điều dưỡng Đỗ Thị Điệp, khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, trình bày trước tòa: “Tôi khẳng định lời khai tại tòa phản ánh đúng sự thật khách quan, tôi xin cam đoan”. Đồng nghiệp của bà Điệp, điều dưỡng Phạm Danh Quang, cũng khẳng định lời khai tại tòa là lời khai khách quan nhất.

Điều dưỡng Bùi Văn Hữu cũng khẳng định: “Tôi không được chứng kiến việc ông Khiếu phân công nhiệm vụ cho bác sĩ Lương. Tôi khẳng định lời khai tại tòa là khách quan, đúng sự thật và lời khai của tôi tại tòa là chính xác. Lời khai của tôi tại cơ quan điều tra là không chính xác”.

Điều dưỡng Bùi Thị Hồng khi trả lời câu hỏi của luật sư cũng nói: “Tôi không được chứng kiến ông Khiếu phân công bằng miệng cho bị cáo Hoàng Công Lương chịu trách nhiệm quản lý Đơn nguyên thận nhân tạo. Tôi không được chứng kiến trong buổi họp đó. Tôi cam đoan lời khai trước phiên tòa ngày hôm nay là lời khai chính xác và đúng sự thật”.

Cuối phần xét hỏi, Hội đồng xét xử công bố bản xác nhận của 2 bác sĩ cùng làm việc tại Đơn nguyên thận nhân tạo là Nguyễn Mạnh Linh và Phạm Thị Huyền, lần lượt ký vào ngày 5.5 và 10.5 có chữ ký xác nhận của Trưởng phòng Tổ chức cán bộ của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cũng khác với lời khai trước đó.

Cả 2 bác sĩ đều cho biết, không biết ai phân công bác sĩ Hoàng Công Lương phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo. Lãnh đạo bệnh và lãnh đạo khoa không có quyết định bằng miệng hay văn bản nào. Nhiệm vụ của 3 bác sĩ tại đơn nguyên là như nhau. Ngoài nhiệm vụ chữa bệnh, bác sĩ Lương và các bác sĩ khác không có nhiệm vụ nào khác.

Trước đó, cũng tại phiên tòa, ông Đinh Tiến Công, điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, đã bất ngờ thay đổi lời khai khi thừa nhận chính ông đã sửa nội dung biên bản cuộc họp giao ban với nội dung phân công bác sĩ Hoàng Công Lương phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo. Ông Công khẳng định việc sửa chữa này là theo sự chỉ đạo của trưởng khoa Hoàng Đình Khiếu và được thực hiện sau khi sự cố y khoa xảy ra vào ngày 29.5.2017.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.