5 nội dung đề nghị trình kỳ họp bất thường
Sáng 28.11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 17, cho ý kiến việc chuẩn bị kỳ họp bất thường thứ 2 Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 17 |
gia hân |
Báo cáo tại phiên họp, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết tại văn bản ngày 22.11, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội 5 nội dung tại kỳ họp bất thường lần thứ 2.
Cụ thể là xem xét, quyết định quy hoạch tổng thể quốc gia theo quy định của luật Quy hoạch.
Bên cạnh đó, thông qua luật Khám chữa, bệnh sửa đổi. Xem xét tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết 30 của Quốc hội về các chính sách đặc thù trong phòng, chống dịch.
Nội dung thứ 4 là xem xét, quyết định một số vấn đề tài chính, ngân sách bao gồm giải pháp xử lý vướng mắc tại một số trạm thu phí, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT; việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan năm 2021; bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài năm 2021; điều chỉnh vốn vay lại của các địa phương năm 2022.
Quốc hội chuẩn bị kỳ họp bất thường |
Một nội dung mới là Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến về 3 dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo là luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Công an nhân dân.
Đối với nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (thay thế Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM), ông Cường thông tin, Chính phủ đề nghị chưa đưa nội dung này vào chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 2 do chưa chuẩn bị kịp và chưa có kết luận của Bộ Chính trị.
Tổng thư ký Quốc hội cho biết, liên quan xử lý các dự án BOT giao thông, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản cho rằng đề xuất của Chính phủ chưa có đủ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn cho việc sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý hỗ trợ, thanh toán các hợp đồng dự án giao thông BOT, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến.
Còn đối với 3 dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, ông Cường cho biết, Chính phủ chưa có đề nghị bổ sung 3 dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, 2023.
Do đó, ông Cường đề nghị Chính phủ thực hiện các quy trình, thủ tục xây dựng pháp luật bảo đảm đúng quy định của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
2 phương án về thời gian kỳ họp bất thường
Về thời gian và hình thức tổ chức phiên họp, Tổng thư ký Quốc hội đề xuất 2 phương án.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo việc chuẩn bị nội dung kỳ họp thứ 2 |
gia hân |
Cụ thể, phương án 1, trường hợp toàn bộ nội dung trình tại kỳ họp bất thường chưa kịp xem xét đủ điều kiện trong tháng 12.2022 thì đề nghị tổ chức họp sau tết Nguyên đán (trong tháng 2.2023) và theo hình thức họp tập trung.
Phương án 2, trường hợp toàn bộ nội dung trình tại kỳ họp bất thường được xem xét xong trong tháng 12.2022 và đủ điều kiện trình thì đề nghị tổ chức họp trước tết Nguyên đán (đầu tháng 1.2023) theo hình thức họp trực tuyến kết hợp họp tập trung hoặc có thể họp trực tuyến cả kỳ.
Ông Cường cho rằng căn cứ tình hình thực tế nếu tổ chức kỳ họp vào tháng 1 sẽ rất gấp, hơn nữa thời điểm tổ chức sát tết Nguyên đán. Do vậy, ông đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lựa chọn phương án 1, tức tổ chức vào tháng 2, sau Tết nguyên đán.
Cho ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị phấn đấu tổ chức kỳ họp bất thường vào đầu tháng 1 như kỳ họp lần thứ nhất, với thời gian khoảng 3 - 4 ngày vì sau tết Nguyên đán mới tổ chức sẽ lấn sang các kỳ họp khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ nhất trí cơ bản với nội dung của kỳ họp bất thường mà Tổng thư ký Quốc hội báo cáo song đề nghị họp bất thường nên tổ chức họp tập trung vì đây là kỳ họp ngắn ngày.
Bình luận (0)