Nhà Trắng - mỗi ngày chứng kiến những quyết định thay đổi thế giới, được CNN miêu tả là nơi có nhiệt độ cao tương đương với nồi áp suất!
Nhưng có một căn phòng ở đây dù lúc nào cũng trong tình trạng đỏ lửa vẫn được gọi là căn phòng “mát” nhất tòa nhà. Bởi người đứng đầu căn phòng ấy là một phụ nữ Philippines bé nhỏ, đôi khi lọt thỏm giữa dàn nhân viên vạm vỡ. Bà là người phụ nữ đầu tiên và là người đầu tiên của cộng đồng thiểu số trở thành bếp trưởng của đệ nhất gia đình Mỹ.
Phong cách của một huấn luyện viên bóng chày
Người phụ nữ chuẩn bị món ăn cho người quyền lực nhất hành tinh rất kiệm lời khi nhào bột, khuấy nồi, đánh trứng. Bà ra lệnh, sắp xếp bằng cử chỉ hay tín hiệu không khác gì một huấn luyện viên bóng chày lúc trận đấu đang diễn ra. Bà chỉ huy căn bếp của mình theo cách “nhìn vào thế mạnh, khả năng và kiến thức của từng người để từ đó huy động tổng lực”.
Trong khi các đầu bếp nổi danh với kiểu ăn nói ngang ngược hạ thấp người khác như Gordon Ramsay và Marco Pierre White tạo thương hiệu là “những kẻ lập dị” thiên tài của thế giới ẩm thực, chuyên “sáng tác” những món ăn có một không hai nhờ cách quảng bá bằng lời thì Cristeta Comerford là một đối lập. “Trong tất cả các kỹ năng để trở thành đầu bếp Nhà Trắng, tài năng là số 1”, bà cho biết. “Nhưng cùng với đó, sự chừng mực trong ứng xử và cách làm việc cùng với cộng sự cũng quan trọng không kém. Bởi đến cuối ngày, bất kỳ điều gì bạn đề ra chỉ thành công khi đó là sản phẩm của đồng đội”.
Với bà, sự nổi tiếng không thể so sánh với niềm vui lan tỏa từ những người được bà phục vụ: “Là một đầu bếp của Nhà Trắng, tôi chỉ muốn đảm bảo khi trở về nhà sau bữa tối họ cảm thấy thoải mái và vui vẻ vì được ăn ngon”. Mà ăn ngon là một khái niệm quá khó, ngay cả với người đứng ở hậu trường Nhà Trắng 20 năm nay. Người phụ nữ từng nghĩ đến quyền lựa chọn thứ 2 là trở thành nhà truyền giáo nếu không theo được nghề đầu bếp chia sẻ: “Ăn ngon theo cảm nhận của người ăn là quá trình tìm hiểu giữa người nấu và người ăn, chẳng hạn họ thích pizza đế mỏng hay dày, họ thích ăn rau gì”. Một người Philippines bình dị với phương châm đơn giản như thế đã “giữ lửa” được căn bếp suốt 3 đời tổng thống Mỹ.
|
Câu chuyện năm 2005
Bỏ ngang đại học (chuyên ngành công nghệ thực phẩm ở Đại học Philippines) để đến Mỹ ở tuổi 23 và bắt đầu làm việc tại một khách sạn ở Chicago với vai trò người làm món salad, bà Comerford thêm 2 nhà hàng nữa ở thủ đô Washington D.C vào lý lịch của mình cũng như tăng kinh nghiệm với 6 tháng làm việc ở Vienna (Áo) trước khi bước chân vào Nhà Trắng năm 1995 dưới thời của Tổng thống Bill Clinton. Bà được chính bếp trưởng của Nhà Trắng lúc đó là ông Walter Scheib III tuyển dụng vào vị trí bếp phó.
Mười năm sau, mọi chuyện thay đổi bất ngờ khi ông Scheib bị đệ nhất phu nhân Laura Bush sa thải vì ông không thể đáp ứng yêu cầu trang trí món ăn của bà. Nếu chuyện này xảy ra lúc gia đình Clinton chuyển giao cho nhà Bush thì không có gì lạ. Nhưng từ 2001 đến 2005 vẫn chưa đủ dài để một đầu bếp được đào tạo bài bản ở Viện Ẩm thực Mỹ và được chính bà Hillary Clinton “kéo” về từ một resort cao cấp ở West Virginia như ông Scheib chinh phục được bà chủ mới của Nhà Trắng. Ông Scheib kết thúc nhiệm kỳ 11 năm tổng quản ở Nhà Trắng với lời thừa nhận thành thực: “Chúng tôi luôn cố gắng tìm cách đáp ứng các yêu cầu trình bày món ăn của đệ nhất phu nhân. Điều này rất khó. Về cơ bản tôi không thành công trong nỗ lực của mình”.
Sự ra đi của người thầy - người tiền nhiệm mang đến cột mốc mới cho Comerford khi bà được Laura Bush chọn trong tổng số 450 ứng viên và tất nhiên người trong cuộc như bà hiểu rằng áp lực không phải chỉ đến từ đệ nhất phu nhân. Khi Lea Berman, vợ của Wayne Berman - người có những đóng góp tài chính mạnh tay cho đảng Cộng hòa, chính thức trở thành thư ký phụ trách các vấn đề xã hội của Nhà Trắng, ông Scheib đã mơ hồ cảm nhận được tương lai rất gần của mình. “Rõ ràng với sự xuất hiện của một thư ký mới, sẽ có những cái nhìn và quan điểm mới. Bà ấy là một người nắm rất rõ việc thực hành, tham gia rất sâu vào những việc liên quan đến ăn uống, hoa và trang trí. Bà ấy rất có quyền lực”, ông Scheib (qua đời vào giữa năm ngoái) từng chia sẻ.
|
|
Đồng hành với bà Michelle Obama
Khi gia đình Obama tiếp quản Nhà Trắng năm 2009, bà Michelle Obama đã quyết định giữ lại Comerford với lý do: “Bà ấy cũng là mẹ của một cô con gái nhỏ và tôi đánh giá cao sự tương đồng của chúng tôi trong suy nghĩ về tầm quan trọng của ăn uống lành mạnh và giá trị hạnh phúc gia đình”. Họ tạo thành cặp bài trùng ở hậu trường khi bà Obama khởi xướng “kỷ nguyên trồng rau theo mùa”. Trước khi bắt tay vào nấu, Comerford đều ra vườn South Lawn ở Nhà Trắng để quyết định xem sẽ nấu món gì rồi chọn gia vị, thu hoạch rau xanh và cả mật ong từ tổ ong.
Hãnh diện kể về khu vườn mà bà Obama tự tay gieo hạt năm 2009 rồi tăng gấp đôi diện tích lên gần 140 m 2, bà Comerford kể: “Chúng tôi có một khu vườn tuyệt đẹp mà mỗi khi tôi xuất hiện đều nghe văng vẳng đâu đó lời gọi mời: Này cô, tôi sẵn sàng vào bếp hôm nay”.
Với một người có phong cách nấu đầy ngẫu hứng và dày dạn nghề như Comerford thì đây quả là một lợi thế tuyệt vời. “Sau hơn 30 năm trong nghề, tất cả các công thức đều đã có sẵn trong đầu tôi. Tôi chỉ việc thu hoạch rau củ quả rồi thực hiện. Chỉ những đầu bếp phụ trách làm bánh mới cân đo đong đếm nguyên liệu. Còn những đầu bếp làm món mặn như chúng tôi chỉ cần lướt qua là được”, bà cho biết.
Và khu vườn Nhà Trắng cũng giúp bà nguôi nỗi nhớ nhà. “Tôi vẫn nhớ mỗi lần đến thăm ông bà ở vùng quê, mọi thứ từ thịt đến rau củ đều có ở sau vườn”.
Bình luận (0)