Hiện nay, thế giới mạng đang trở thành "mảnh đất vàng" để các doanh nghiệp (DN) mở rộng khai thác kinh doanh, PR rất hiệu quả. Tuy nhiên, mặt trái của nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bước đầu có thể dùng để nói xấu đối thủ cho... bõ ghét. Nếu bị phát hiện thì nhanh chóng chối bỏ trách nhiệm, hoặc lịch sự thì gửi một lời xin lỗi, còn nặng hơn thì chấp nhận nộp phạt là xong. Tình trạng các DN biết sai nhưng vẫn nhắm mắt làm đại để đạt mục đích đang có xu hướng báo động. Tại buổi tọa đàm "Quản lý cạnh tranh bằng mạng và diễn đàn" do Tạp chí Doanh nhân & Pháp luật tổ chức, ông Phạm Trường Sơn - Phó TGĐ Công ty THHH cơ khí ô tô Phạm Gia được dịp kể khổ khi không may trở thành nạn nhân “bất đắc dĩ” của tình trạng này.
|
Vụ khiếu kiện càng đẩy lên cao do đối thủ phớt lờ, buộc lòng công ty phải gửi đơn lên Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghiệp cao. Kết quả doanh nghiệp kia bị phạt 20 triệu đồng và buộc phải đăng lời xin lỗi Phạm Gia nhưng thiệt hại là rất lớn. Doanh thu của đơn vị qua vụ “lùm xùm” sụt giảm hơn 65%, ảnh hưởng đến đời sống và tinh thần của gần 400 nhân viên. Thế mới biết, sức công phá của “sao quả tạ” này khủng khiếp đến mức nào.
Tháng 4.2011, thương hiệu Kymdan (ra đời từ năm 1954), đã đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu trên 88 quốc gia và vùng lãnh thổ... chịu hết xiết, buộc phải có văn bản đề nghị một trang web gỡ bỏ nội dung không đúng sự thật nếu không sẽ khởi kiện ra pháp luật. Ba ngày sau, bài viết... biến mất nhưng thiệt hại về thương hiệu của doanh nghiệp ít nhiều vẫn bị ảnh hưởng.
Trước đây, một công ty chuyên phân phối các sản phẩm của Canon... cũng gặp phải “tai bay vạ gió”, chỉ một trục trặc ngoài ý muốn trong công tác giao hàng của nhân viên mà bị quy chụp thành “chất lượng dịch vụ kém” khiến cho công việc kinh doanh trắc trở. Ông Châu Ngọc Mỹ - Tổng giám đốc Công ty CP Lê Bảo Minh chia sẻ: “Trong kinh doanh, cạnh tranh là điều tất yếu. Tuy nhiên, những hành vi như thế này cần được xã hội lên án và xử lý nghiêm khắc. Việc một số đối tượng lợi dụng cổng thông tin điện tử để nói xấu nhau là điều không nên nhưng lại là phương pháp đang được khai thác triệt để vì không mất nhiều chi phí, lại khá hiệu quả...".
Không chỉ doanh nghiệp kêu khổ, các cá nhân trong chuyện đời tư, làm ăn cũng thỉnh thoảng bị kẻ xấu lợi dụng mạng để bêu riếu. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng từng “tím tái mặt mày” khi những chuyện phía sau sàn diễn tự dưng lù lù xuất hiện trên mạng.
Một cán bộ cấp huyện ở tỉnh Quảng Nam một phen lao đao vì một bài “vô thưởng vô phạt” đăng trên mạng do một người xấu tính nào đó ở Đà Nẵng nộp tiền đăng trong mục... rao vặt. Phải làm áp lực rất dữ họ mới gỡ bỏ bài viết đó nhưng thỉnh thoảng vào Google gõ từ khóa vẫn... tìm thấy.
Để giải quyết tình trạng này, Th.S Trịnh Anh Huy - giảng viên trường ĐH Luật TP.HCM nêu quan điểm: “Trước hết kêu gọi lương tâm của các DN trong làm ăn, kinh doanh phải cạnh tranh lành mạnh”. Còn theo ông Hoàng Kim Chiến - Phó vụ trưởng Bộ Tư pháp (cơ quan đại diện phía Nam): “Mức xử phạt hành chính trong một số văn bản của chính phủ đã không còn hợp thời. Cho dù cao nhất là 100 triệu đồng thì cũng chẳng bõ bèn gì. Chính điều này tạo cơ hội cho không ít doanh nghiệp bị kẻ xấu lợi dụng”. Ông Nguyễn Tường Minh - Tổng thư ký Hội chống gian lận thương mại và hỗ trợ người tiêu dùng cho rằng: “Chúng ta cần phải có những chế tài thật nặng để xử phạt hành vi này”.
Bởi, hiện nay tâm lý ngại va chạm giữa các DN vẫn còn khá nặng nề. Hơn nữa, việc giải quyết tranh chấp phải qua nhiều cửa, thời gian chờ đợi lâu khiến cho không ít đơn vị phải lựa chọn hình thức thỏa thuận miệng là chỉ đề nghị xin lỗi hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại tượng trưng.
Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho tình trạng nói xấu trên mạng vẫn còn đất để sống.
Công Sơn - Hồng Sĩ
Bình luận (0)