Để phát huy các giá trị văn hóa, con người Nha Trang

05/03/2024 15:07 GMT+7

Tại hội thảo khoa học '100 năm hành trình lịch sử: Nhận diện, phát huy các giá trị văn hóa, con người Nha Trang trong xây dựng, phát triển thành phố', các chuyên gia, nhà khoa học đã làm rõ những nét đặc trưng về văn hóa vùng đất, con người Nha Trang trong tiến trình lịch sử 100 năm.

Sáng 5.3, Thành ủy Nha Trang phối hợp Tạp chí Cộng sản tổ chức hội thảo khoa học chủ đề: “100 năm hành trình lịch sử: Nhận diện, phát huy các giá trị văn hóa, con người Nha Trang trong xây dựng, phát triển thành phố”. Đây là 1 trong các hoạt động chào mừng kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển TP.Nha Trang (1924 - 2024), 15 năm Nha Trang được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Khánh Hòa (2009 - 2024).

Để phát huy các giá trị văn hóa, con người Nha Trang- Ảnh 1.

TP.Nha Trang

BÁ DUY

Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Nha Trang Hồ Văn Mừng cho biết, TP.Nha Trang là một đô thị lớn, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Khánh Hòa, là đô thị năng động của vùng Nam Trung bộ và Tây nguyên. Từ xưa, mảnh đất Nha Trang vốn chỉ là một làng chài nhỏ bé, đơn sơ bên cạnh bờ sông Cái; dưới góc nhìn của các nhà địa lý, đây được xem là vùng đất lạ, quý hiếm, bởi có “tứ thủy triều quy, tứ thú tụ”, nghĩa là 4 mặt có nước bao bọc và có 4 quả núi mang hình 4 con thú tụ về. Chính sự đa dạng về địa hình giữa đồng bằng, đồi núi và các đảo trên vịnh biển đã tạo ra các danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp cho TP.Nha Trang, có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với những ai từng ghé thăm.

Để phát huy các giá trị văn hóa, con người Nha Trang- Ảnh 2.

Bí thư Thành ủy Nha trang Hồ Văn Mừng

TRẦN HẰNG

Bên cạnh đó, theo ông Mừng, con người Nha Trang vốn có bản tính cần cù, chăm chỉ trong lao động, sản xuất, hòa hiếu, nhiệt tình trong các mối quan hệ gia đình và xã hội, thái độ ung dung, nhàn nhã, ít chộn rộn, ồn ào và phần đông thích cuộc sống an yên, lấy chữ “nhàn” làm quý, không mạo hiểm và có chút phong lưu, phóng khoáng...

Đến nay, thành phố đã có những bước đi vững chắc trên nhiều lĩnh vực, tạo sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh theo hướng hiện đại, văn minh, hội nhập.

Để bảo đảm TP.Nha Trang phát triển nhanh và bền vững, Bí thư Thành ủy Nha Trang cho rằng điều cốt yếu là phải chăm lo xây dựng văn hóa con người thành phố với lối sống đẹp, có ý chí và khát vọng vươn lên; có tư duy và nhận thức xã hội tốt, có kiến thức và trình độ lao động, sản xuất đáp ứng với sự vận động và phát triển nhanh chóng của thành phố.

"Thành phố sẽ chú trọng công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn những giá trị văn hóa mang tính chất 'hồn cốt' của dân tộc, của quê hương Nha Trang - Khánh Hòa; đồng thời khai thác, phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa lịch sử trên địa bàn thành phố trong phát triển kinh tế", ông Mừng nhấn mạnh.

Để phát huy các giá trị văn hóa, con người Nha Trang- Ảnh 3.

Tháp Bà Ponagar - điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại TP.Nha Trang

THẾ QUANG

Hội thảo nhận được 55 chuyên đề tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong nước về các lĩnh vực văn hóa, lịch sử. Các chuyên đề tập trung làm rõ những nét đặc trưng về văn hóa vùng đất, con người Nha Trang trong tiến trình lịch sử 100 năm, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể để phát huy hiệu quả những giá trị văn hóa, con người trong xây dựng, phát triển thành phố thời gian tới.

Theo PGS-TS-NSƯT Lưu Trang, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng, trải qua các chặng đường lịch sử, Nha Trang luôn đóng vai trò trọng yếu đối với Khánh Hòa. Cư dân ở Nha Trang gồm nhiều thành phần, họ tìm đến mảnh đất này qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, cùng chung sống hòa bình, cùng tiếp nhận và hòa hợp về mặt văn hóa.

Các sử gia triều Nguyễn trong Đại Nam nhất thống chí đã nói về những nét đẹp về văn hóa của vùng đất và con người Khánh Hòa, trong đó có Nha Trang, như sau: “Phong tục thuần hậu, tập quán quê mùa. Kẻ sĩ chất phác mà trầm tĩnh, nhân dân kiệm mà lành, quần áo dùng vải trắng, ít thích lòe loẹt. Dân ở ven biển làm nghề chài lưới, dân ở ven núi làm nghề cấy lúa, trồng dâu, chăn tằm dệt cửi… phần nhiều đơn giản không chuộng xa hoa. Các việc đám cưới đám ma hay giúp đỡ lẫn nhau".

"Các thế hệ cư dân sinh sống trên mảnh đất này đã tiếp nối nhau xây dựng nên văn hóa và con người nơi đây. Vẻ đẹp của Khánh Hoà không chỉ bởi đất, bởi nước, bởi trời, bởi biển, mà còn đẹp bởi lòng người nơi đây hiền hòa, thân thiện, hồn hậu, phóng khoáng, trọng nghĩa, trọng tình, luôn thắm đượm tình yêu quê hương, đất nước và cũng đầy khí phách cách mạng mạnh mẽ, kiên cường đấu tranh cho những giá trị cao đẹp”, PGS-TS-NSƯT Lưu Trang nói.

PGS-TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện Nghiên cứu Văn hóa, cho biết trải qua nhiều thăng trầm, vùng đất Nha Trang đã phát triển không ngừng và trong sự phát triển ấy, mạch nguồn văn hóa luôn có vai trò quan trọng, khẳng định dấu ấn riêng của thành phố này trong dòng chảy văn hóa của khu vực. Theo đó, từ trong lịch sử, Nha Trang đã luôn là vùng đất rộng mở cho những sự tiếp xúc, giao lưu, tiếp xúc Chăm-Việt, rồi Pháp-Việt, Mỹ-Việt...; tiếp xúc, giao lưu giữa các vùng đồng bằng, núi, ven biển và hải đảo; tiếp xúc, giao lưu giữa các cộng đồng cư dân tại chỗ và cộng đồng cư dân di cư... Tất cả đã tạo nên sự đa dạng đặc trưng của bức tranh văn hóa Nha Trang và đó chính là nguồn lực nội sinh quan trọng giúp Nha Trang phát triển trở thành một thành phố trung tâm không chỉ của Khánh Hòa mà của cả khu vực duyên hải Nam Trung bộ.

Để phát huy các giá trị văn hóa, con người Nha Trang- Ảnh 4.

GS-TS Nguyễn Văn Kim, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Hiệu phó Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn

TRẦN HẰNG

Trong khi đó, GS-TS. Nguyễn Văn Kim, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Hiệu phó Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, cho rằng trong con người và văn hóa Nha Trang - Khánh Hòa đã hình thành 4 đặc trưng tiêu biểu: chất hồn hậu, hào hiệp, chất biển sâu đậm trong tính cách con người; chất khoan dung, nhân ái, giàu năng lực sáng tạo của một không gian sớm có nhiều sự hợp luyện, chuyển giao văn hóa; chất kiên cường, bản lĩnh, cách mạng trong phẩm chất của người miền Trung anh dũng; chất trí tuệ, giàu năng lực phân tích và khát vọng phát triển trong tâm thức văn hóa của các cộng đồng dân cư từng trải nghiệm qua nhiều trào lưu khai mở, dấn thân. Và ông nhìn nhận rằng: "Nhờ có đặc trưng, nguồn vốn, tài nguyên văn hóa đó mà người Nha Trang - Khánh Hòa đã cùng với cả nước kiên cường bám trụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên cương, biển đảo linh thiêng của Tổ quốc".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.