Đây là mục tiêu phấn đấu của ngành điện ảnh được đưa ra trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa VN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, vừa được Chính phủ phê duyệt trong tháng 9.
Phim Việt “vượt mặt” Hollywood
Trong vài năm trở lại đây, doanh thu của một số bộ phim VN đã vượt doanh thu của nhiều phim Hollywood được nhập về. Trong đó, không thể không nhắc đến “dấu mốc” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng với bộ phim Mỹ nhân kế, được sản xuất vào năm 2013, khi thu về 52 tỉ đồng. Nhưng chỉ vài tháng sau, Tèo em của Charlie Nguyễn đã đại thắng phòng vé với 80 tỉ đồng doanh thu. Một năm sau đó, bộ phim Quả tim máu của đạo diễn Việt kiều Victor Vũ tiếp tục tạo nên hiện tượng phòng vé với 85 tỉ đồng. Nhưng con số này lại bị phá vỡ bởi bộ phim Để Mai tính 2 của đạo diễn Charlie Nguyễn, khi doanh thu của phim lên tới 101 tỉ đồng. Năm 2015, bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ cũng lọt vào trong số phim Việt với doanh thu “khủng” khoảng 80 tỉ đồng, nhưng vẫn đứng sau Em là bà nội của anh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh - bộ phim đã xác lập kỷ lục doanh thu phòng vé mới với 102 tỉ đồng.
Mới đây, Tấm Cám - Chuyện chưa kể do Ngô Thanh Vân làm đạo diễn, công bố đã thu về 46 tỉ đồng chỉ sau 10 ngày công chiếu. Bộ phim Nắng của đạo diễn Đồng Đăng Giao sau hơn 2 tuần công chiếu đã thu về hơn 58,9 tỉ đồng. Có thể nói tuy số lượng phim sản xuất hằng năm chưa nhiều, nhưng việc phim Việt chiếm lĩnh danh sách các phim ăn khách nhất tại rạp là rất đáng khích lệ.
Theo thống kê của Cục Điện ảnh, năm 2015, doanh thu điện ảnh tại VN đã đạt được trên 35 triệu USD (bao gồm cả doanh thu phim nước ngoài và phim VN), số phim VN được chiếu rạp là 41 bộ phim. Trong 3 tháng đầu năm nay, doanh thu điện ảnh tại VN đạt được 13 triệu USD. Trong dự thảo báo cáo quốc gia định kỳ 4 năm (2012 - 2016), có đưa ra con số doanh thu của ngành điện ảnh năm 2015 là 700 tỉ đồng từ hoạt động kinh doanh phim sản xuất trong nước và 1.590 tỉ đồng từ hoạt động kinh doanh phim nước ngoài.
|
Có thể đạt được 1.000 tỉ đồng, nếu...
Mặc dù vẫn còn những nghi ngại xung quanh con số doanh thu phim Việt được các nhà sản xuất và phát hành công bố, tuy nhiên không thể phủ nhận doanh thu của điện ảnh Việt đang ngày càng tăng. “Bắt đầu từ năm 2013, phim Việt bắt đầu khởi sắc. Doanh thu phim Việt đang có những tín hiệu rất tích cực”, nhà sản xuất Nhất Trung nhìn nhận. Nhà sản xuất của Nắng cho rằng: “Với đà phát triển điện ảnh như hiện nay, việc đạt mục tiêu hơn 1.000 tỉ đồng doanh thu trong 4 năm tới là khả thi”.
Bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc sản xuất Công ty Sóng Vàng cũng có chung sự lạc quan với nhà sản xuất Nhất Trung. Bà Liên cho rằng con số này hoàn toàn có thể đạt được, trong điều kiện: “Nếu phim Việt có những bộ phim chất lượng, các nhà làm điện ảnh nghiêm túc, những nhà đầu tư có tâm, diễn viên, đạo diễn chuyên nghiệp hơn, hệ thống rạp phát triển hơn... Tất cả phải tốt lên đồng bộ”.
Theo chiến lược, để thực hiện mục tiêu này, ngành điện ảnh sẽ thực hiện các giải pháp như tăng dần tỷ trọng phim VN tại các rạp; xây dựng các trung tâm chiếu phim hiện đại tại Đà Nẵng, TP.HCM; xây dựng và hoàn thiện trường quay tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM; đào tạo những ngành nghề đạo diễn, sản xuất, nhà kinh doanh, biên kịch, lý luận phê bình, quay phim... với những khóa ngắn hạn và dài hạn tại nước ngoài. Tuy nhiên, việc thực hiện các giải pháp này sao cho hiệu quả cũng là điều cần xem xét. Chẳng hạn như trường quay Cổ Loa đã được đầu tư phục hồi, nâng cấp, cải tạo giai đoạn 1 từ năm 2010 với số vốn lên tới 106 tỉ đồng, để trở thành trường quay lớn và hiện đại nhất cả nước, nhưng trong suốt nhiều năm, trường quay này hoạt động kém hiệu quả.
“Nhìn lại các vấn đề của VN từ trước đến nay, có thể thấy vấn đề không chỉ nằm ở chuyện tiền. Như chúng ta đã từng có thời kỳ tìm cách phục hưng nền điện ảnh, và rót nhiều tiền vào “chiến dịch” này, nhưng kết quả đạt được chưa như mong muốn. Sử dụng tiền như thế nào cho hợp lý và hiệu quả mới là vấn đề ”, đạo diễn Phan Đăng Di nhìn nhận.
Không chỉ điện ảnh...
Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa VN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các mục tiêu được đặt ra không chỉ riêng với ngành điện ảnh. Cụ thể, ngành nghệ thuật biểu diễn đạt doanh thu khoảng 16 triệu USD; Ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đạt khoảng 80 triệu USD; Ngành quảng cáo (trên truyền hình, đài phát thanh, báo, tạp chí, internet và quảng cáo ngoài trời) đạt khoảng 1.500 triệu USD; Ngành du lịch văn hóa chiếm 10 - 15% trong tổng số khoảng 18.000 - 19.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch.
|
Bình luận (0)