TNO

Đề phòng sự cố khi đi du lịch

07/08/2014 00:00 GMT+7

(iHay) Vài tình huống, kinh nghiệm và bí quyết giúp bạn tháo gỡ các khúc mắc trên đường du hí.

(iHay) Với một vài khách du lịch không may mắn, thay vì là chuyến đi nghỉ dưỡng thư giãn họ lại bị đẩy vào những trường hợp như hủy chuyến, không có chỗ tại khách sạn... Vài tình huống, kinh nghiệm và bí quyết sau sẽ giúp bạn tháo gỡ các khúc mắc trên đường du hí.

>> Đi phượt có khác đi du lịch?

 Đề phòng sự cố khi đi du lịch
Đề phòng sự cố sẽ giúp bạn chủ động trong những chuyến du lịch - Ảnh: shutterstock

Hủy chỗ

Bạn sẽ cảm thấy thế nào sau một chặng hành trình dài, bước chân vào sảnh khách sạn và nghe câu: “Xin lỗi, chúng tôi không hề thấy tên ông/bà trong danh sách khách đặt phòng!”. Kinh nghiệm là: hết sức bình tĩnh và lịch sự. Tại sao? Bởi chính nhân viên tiếp tân kia sẽ là “lối thoát” cho bạn. Cho nhân viên lễ tân xem bản in booking của bạn hoặc email xác nhận hay bất cứ giấy tờ văn bản gì chứng minh bạn đã đặt chỗ. Nếu không có, gọi điện thoại cho công ty hay đại lý bạn đã sử dụng để đặt chỗ. Trong quá trình hoạt động, hệ thống đặt phòng cũng có khi bị lỗi và bạn chỉ có thể khắc phục điều đó khi giữ thái độ hòa nhã.

Trường hợp tất cả các phòng đã kín, hãy đề nghị khách sạn tìm cho mình chỗ lưu trú mới trong hệ thống của họ (đối với các chuỗi khách sạn lớn) hoặc các khách sạn lân cận (đối với những khách sạn nhỏ họ thường có thông tin về những đối thủ cạnh tranh xung quanh).

An toàn nhất, gọi điện thoại vài ngày trước khi lên đường để xác nhận có tên bạn và cả ngày, giờ check-in, đặc biệt khi bạn sẽ đến khách sạn trễ.

Bảo hiểm không có tác dụng

Thử đặt câu hỏi, nếu bạn không may bị gãy chân tại Nepal và gói bảo hiểm của bạn có chấp nhận thanh toán hay không? Bạn sẽ phải trả tiền trước hay chỉ cần đưa tấm thẻ bảo hiểm khi điều trị? Nếu chưa trả lời rõ ràng những câu hỏi kiểu này, hãy khoan gói ghém hành lý. Làm việc kỹ với công ty bảo hiểm về những điều khoản trong hợp đồng và nắm rõ quyền lợi của bản thân mình khi mua bảo hiểm du lịch.

Ngoài ra, trong trường hợp bị thương, đau ốm, những nhân viên khách sạn, lãnh sự hay đại sứ có thể là nguồn cung cấp thông tin về bệnh viện, phòng khám uy tín. Mang theo bộ dụng cụ cứu thương mini gồm vài món cơ bản như băng dán cá nhân, thuốc cảm, bông băng thuốc đỏ...

Bị phạt

Bạn sẽ bị phạt khi nhai kẹo cao su tại Singapore, hút thuốc lá ở trước ga tàu điện tại Nhật... và còn hàng loạt các luật lệ khác nhau ở nhiều quốc gia. Dành thời gian đọc những chú ý về điểm đến trước khi lên đường sẽ giúp bạn tránh các rắc rối có thể xảy ra.

Không kịp nối chuyến

Không ai muốn chuyến du lịch của mình bị dời lại ngay cả khi chưa bắt đầu, nhưng những yếu tố như thời tiết xấu có thể làm bạn không kịp nối chuyến bay tiếp theo. Trong trường hợp này bạn sẽ không thể phàn nàn gì với hãng hàng không bởi đây là “ý trời”. Để chuẩn bị cho kịch bản xấu này, theo dõi dự báo thời tiết trước ngày khởi hành ở sân bay mà bạn sẽ quá cảnh, đồng thời tìm thông tin về các khách sạn quanh sân bay. Trong trường hợp có dự báo về mưa gió mạnh, mang theo một ít kẹo, bánh, sô cô la. Chúng sẽ giúp bạn tránh những cơn đói nếu bị delay và thậm chí còn có thể chia sẻ cho những người xung quanh.

Khi mua loại vé phải bay hơn 1 chặng, chọn thời gian quá cảnh ít nhất từ 2 tiếng trở lên để bạn có đủ thời gian chuyển máy bay. Đặc biệt những thành phố lớn có 2 sân bay, cực kỳ chú ý về việc bạn có thể sẽ hạ cánh ở sân bay A nhưng nối chuyến tiếp theo ở sân bay B. Không nên mua những vé máy bay này bởi nó sẽ đẩy bạn vào rắc rối về việc di chuyển đặc biệt là tại một vùng đất xa lạ.

Hoài Nam

>> Những lỗi hay gặp khi đi du lịch
>> Bí quyết xếp đồ gọn nhẹ khi đi du lịch
>> 6 kinh nghiệm bỏ túi khi đi du lịch bụi
>> 15 sai lầm hay mắc phải khi đi du lịch  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.