Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và kênh YouTube Báo Thanh Niên.
Doanh nghiệp tham gia đào tạo
Có mặt tại buổi tư vấn, đại diện các doanh nghiệp đều mong muốn có thể góp tay cùng các trường xây dựng chương trình đào tạo, nâng cao cơ hội thực hành cho sinh viên.
Ông Trịnh Xuân Hùng, Phó tổng giám đốc phụ trách nhân sự Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng NutiFood, cho biết tìm nguồn nhân lực chất lượng là mục tiêu chung của nhiều công ty. Một số trường ĐH mời doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo. Nếu có sự tham gia của doanh nghiệp thì sẽ là bước tiến rất lớn để hai bên gặp nhau trong quá trình đào tạo và tuyển dụng.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty thương mại Sài Gòn Food, cho rằng thời gian gần đây giáo dục ĐH của VN đã có thay đổi và gắn liền thực hành hơn. Tuy nhiên, ở góc độ nào đó thì chưa nhiều và cần có sự gắn bó chặt chẽ hơn nữa. Vì vậy, công ty thành lập chương trình “Học kỳ doanh nghiệp” được nhiều trường hoan nghênh.
Bà Lâm cho biết trong nhà máy hiện có khoảng 50 công nhân có trình độ ĐH vì khi ra trường những sinh viên này chưa tiếp cận được công việc. “Nhiều em 5 - 6 năm sau vẫn làm công nhân, nhưng 2 năm gần đây công ty đào tạo, huấn luyện cho công nhân có trình độ để hướng lên vị trí cao hơn”, bà Lâm nói thêm.
Theo tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, thí sinh cần yên tâm là cung của nhóm ngành công nghệ vẫn thiếu so với cầu. Nhưng vẫn phải hướng đến nguồn cung có chất lượng, gắn liền nhu cầu của doanh nghiệp.
PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết một số hạn chế ở sinh viên khối ngành này là đòi hỏi học toán nhiều, tỷ lệ sinh viên ra trường thấp hơn so với nhóm khác. Bên cạnh đó, sinh viên các ngành này tiếng Anh không giỏi, khả năng thích ứng thấp.
Thạc sĩ Đường Anh Tân, Giám đốc Trung tâm thực hành Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, cho biết trường đã ký kết hợp đồng với sinh viên là có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Trường kết hợp doanh nghiệp để có chương trình thực tập tại doanh nghiệp, giúp sinh viên tiếp cận trang thiết bị hiện đại nhất tại doanh nghiệp để ra trường làm được việc ngay.
Bằng cấp không quan trọng
Từ thực tế, đại diện doanh nghiệp cũng đưa ra yêu cầu đối với sinh viên tốt nghiệp từ các trường ĐH.
Ông Trịnh Xuân Hùng cho biết công ty lựa chọn, mời gọi ứng viên dựa trên nhiều yếu tố. Điều quan trọng là ứng viên có thể hiện sẵn sàng tham gia làm việc ở mức độ nào. Ông Hùng khuyên sinh viên: “Chọn một trường để học, chuyên tâm vào điểm có thể phát huy mạnh nhất, sau đó xây dựng kiến thức nền tảng nhất rồi chọn một doanh nghiệp”. Ông Hùng khẳng định: “Doanh nghiệp cũng không phân biệt ứng viên tốt nghiệp trường nào. Chỉ có một số trường có lợi thế vì nhiều sinh viên của trường thể hiện được mình trong quá trình phỏng vấn qua các đợt tuyển”.
Theo bà Lê Thị Thanh Lâm, hiện nay xã hội có quan niệm tấm bằng ĐH là bắt buộc phải có để xin việc làm, nhưng trong doanh nghiệp lại không hề nghĩ như vậy. “Chúng tôi cần lực lượng trung cấp nghề nhưng lại không tuyển được. Tôi không lo ngại chuyện các em ra trường làm công nhân. Tôi khi ra trường cũng làm công nhân lột tôm như các em. Nhưng vấn đề là sau thời gian đó mình ở vị trí nào và sau bao lâu thì thay đổi được vị trí hiện tại. Đừng quá hoang mang vì có nhiều con đường phát triển bản thân, sự nghiệp chứ không chỉ có một con đường ĐH. Trong nhà máy rất nhiều em học trung cấp rất vững vàng trong nghề. Các em cũng được tạo điều kiện học liên thông. Còn các em học ĐH mà làm công nhân, chúng tôi đào tạo làm sao để các em rút ngắn thời gian ở công việc này”, bà Lâm nói.
Là một nhà tuyển dụng và cũng là phụ huynh, bà Lâm cho biết phụ huynh cần để con em chọn cái gì là thế mạnh và yêu thích của học sinh. “Trong giới doanh nhân, chúng tôi đúc kết những người thành công là những người làm đúng điều mình giỏi và yêu thích”, bà Lâm nhấn mạnh.
Thông tin tuyển sinh khối ngành công nghệ
Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM: Nhóm ngành công nghệ tại trường có 11/31 ngành. Điểm chuẩn nhóm ngành công nghệ các năm gần đây tương đối cao, khoảng từ 22 - 23,75 điểm, phân hiệu ở Gia Lai và Ninh Thuận có điểm chuẩn thấp hơn một chút.
Trường ĐH Mở TP.HCM: Tuyển sinh 6 ngành thuộc khối ngành công nghệ. Trong đó có 3 ngành mới gồm: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học (chất lượng cao) và công nghệ kỹ thuật xây dựng (chất lượng cao). Tổng chỉ tiêu khối này là 1.000, chiếm gần 1/3 chỉ tiêu toàn trường. Năm nay, trường xét tuyển thẳng HS giỏi các trường chuyên và có 50 suất học bổng toàn phần 4 năm.
Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn: Đào tạo 14 ngành nghề cho nhóm công nghệ. Chủ lực là các ngành như công nghệ thông tin, công nghệ thực phẩm, công nghệ môi trường…
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM: Các ngành công nghệ gồm: công nghệ thông tin, thực phẩm, sinh học, môi trường, ô tô. Riêng 2 ngành công nghệ sinh học, công nghệ môi trường có học bổng 40% do doanh nghiệp tài trợ.
Trường ĐH Hoa Sen: Đào tạo 2 chuyên ngành nhóm công nghệ: công nghệ kỹ thuật môi trường và quản lý tài nguyên môi trường. Trường xét tuyển 60% chỉ tiêu dựa vào điểm thi THPT quốc gia, 30% dựa vào điểm học bạ và 10% còn lại dựa trên phương thức khác tại trường.
Trường ĐH Duy Tân: Đào tạo 6 ngành với 12 chuyên ngành đào tạo công nghệ, với 800 chỉ tiêu. Trường xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia và học bạ, tập trung vào các môn toán, lý, hóa, Anh văn, sinh.
Trường ĐH Lạc Hồng: Đối với khối ngành công nghệ trong những năm vừa rồi khả năng sinh viên tốt nghiệp kiếm được việc làm khá cao, trên 90%. Năm nay trường mở ngành mới là công nghệ ô tô.
|
Bình luận (0)