Để thành công, người trẻ cũng cần học nghệ thuật nói không

Nguyên Trang
Nguyên Trang
24/04/2019 19:53 GMT+7

Từ chối đồng nghiệp, khách hàng, làm sao để nói không nhưng không bị ghét là cả một nghệ thuật. Và người thành công là người có thể nói không nhưng vẫn duyên dáng, vẫn được yêu thích.

Đừng vội vàng đồng ý, hứa đại 

Từ chối không có nghĩa là mình vô tình, vô tâm, mà đơn giản là biết được các giới hạn cần thiết để giúp cho đôi bên cùng đạt được kết quả. Đừng vội vàng đồng ý, hứa đại để làm đẹp lòng trong chốc lát, rồi về lâu dài, người này nhìn thấy người kia phải ngao ngán. Thành công trong một giao dịch, thành công trong một mối quan hệ, bao giờ cũng có vài lần phải nói không.
Theo chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trưởng phòng marketing Poulo Condor Boutique Resort (Côn Đảo, Bà Rịa-Vũng Tàu): “Nghề của chị làm dịch vụ, phải làm hài lòng tất cả mọi người. Tuy nhiên, không phải lúc nào mình cũng nói vâng, dạ, thỉnh thoảng cũng phải từ chối. Khi các yêu cầu giữa mình và đối tác chưa gặp điểm chung nên mới từ chối. Tuy nhiên, mình phải từ chối sao cho khéo để các lần gặp sau vẫn không phải ngại ngần”.
Chị Thúy Hằng chia sẻ thêm: “Để giữ được mối quan hệ lâu dài, bao giờ cũng lấy sự trung thực làm điều kiện đầu tiên. Mình cứ thẳng thắn nhưng chân thành, không được hứa ảo. Nhất là khi bàn công việc, nếu gặp trục trặc phải tìm ngay giải pháp. Mỗi bên điều chỉnh một chút, để hợp tác đôi bên cùng có lợi. Giao dịch thành công ai cũng vui. Ngược lại, khi đối tác thấy mình đã cố gắng hết sức nhưng không đạt được kết quả thì họ vẫn nhớ đến mình, vì sự nhiệt thành của mình...”.
Luôn cẩn trọng suy nghĩ, trước khi phát ngôn nếu muốn tiến xa trong sự nghiệp TAT
Là trợ lý CEO của The Cliff Rersort (Phan Thiết, Bình Thuận), anh Mai Anh Dũng cũng chia sẻ bí quyết khi làm việc của mình. Theo anh Dũng: “Khi làm việc, dù đồng nghiệp có thân mấy, đối tác có lâu dài đến mấy, cũng có lúc mình phải 'say no' - nói lời từ chối. Đơn giản vì ai cũng muốn công việc tốt hơn... Trước giờ mình luôn giữ các nguyên tắc đạo đức khi làm việc, đồng thời luôn tôn trọng người khác, nhưng cương quyết.  Đôi lúc sự từ chối là 'mồi' để nhen nhóm lên những kế hoạch hợp tác thành công hơn sau đó”.

Không nên là hoa hậu thân thiện


Không “chảnh”, nhưng phải luôn biết mình đang ở đâu, mình có thể đem lại giá trị gì, từ đó tôn trọng bản thân, biết giá trị của mình để nỗ lực thăng tiến trong sự nghiệp.
“Phải biết mình là ai, sự hợp tác của mình với đối tác đem lại kết quả gì, chứ không dưng các công ty đến để yêu cầu hợp tác khơi khơi. Mình tôn trọng người khác nhưng không phải vì ký được hợp đồng nên sao cũng được, cố ý hạ thấp các tiêu chuẩn để có được khách. Như thế là tự “hại” mình, làm khổ đồng nghiệp...", anh Christian, nhà sáng lập Weebank (Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ.
Cũng theo anh Christian, các bạn trẻ muốn thành công, khi đi làm, nếu cái gì không biết, đừng tự ý làm, đừng vội đồng ý, hãy hỏi cấp trên. Người đi trước đã từng gặp những “bài học xương máu” rồi, hãy nghe ý kiến từ phía họ rồi đưa ra quyết định. Nếu đồng nghiệp nhờ mình làm gì đó, trước khi gật đầu, phải xem thử mình có làm được không,… nếu mình không làm được, đừng vội làm hài lòng người khác mà hứa đại. Các bạn đừng cố làm hoa hậu thân thiện khi mình không có khả năng. 
Mỗi tháng từ chối rất nhiều khách là chia sẻ thật lòng từ CEO Dương Thế Vinh, Công ty công nghệ Cititech (Q.1, TP.HCM): “Mở công ty, khách hàng đến với mình thì vui chứ, nhưng không phải cái nào mình cũng nhận. Nếu cảm thấy yêu cầu thiết kế sản phẩm của khách hàng vô lý, hoặc không có cơ sở, mình nên tư vấn lại cho khách. Nếu người ta vẫn cương quyết làm, thì mình nên từ chối. Mình không nên vì cả nể, vì muốn có thêm hợp đồng mà làm ra những sản phẩm kém ảnh hưởng đến khách hàng, đồng thời ảnh hưởng đến uy tín của công ty. Người thành công là phải biết được lúc nào nên từ chối”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.