Năm 2023 tiếp tục có thêm nhiều trường công nhận kết quả và dành chỉ tiêu xét tuyển thí sinh (TS) dự các kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL). Hiện tại, VN có những kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM, ĐHQG Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Việt - Đức và các trường thuộc Bộ Công an.
Thí sinh làm bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2021 |
Đào Ngọc Thạch |
Tập trung vào chiều rộng kiến thức
Từng đạt 1.009/1.200 điểm kỳ thi ĐGNL của ĐHQG TP.HCM năm 2022 và thuộc tốp 117 TS cao điểm nhất đợt 1, Nguyễn Ân Tín, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, khẳng định thay vì chuyên sâu một lĩnh vực, TS nên tập trung vào chiều rộng kiến thức cho phù hợp với đặc điểm kiểm tra toàn diện của bài thi ĐGNL. “Cần tập trung nghe giảng trên lớp, kết hợp giữa đọc sách và luyện đề”, Tín lưu ý.
Theo nam sinh, việc luyện đề không cung cấp nhiều kiến thức mà chủ yếu là kỹ năng làm bài, cách phân bổ thời gian. Khi luyện xong một đề, người học không được tự mãn hay tự ti với điểm số mà hãy dành thời gian nghiên cứu lại những điểm hay và lỗi sai. Từ đó, khi làm lại đề cũ một lần nữa, TS phải hiểu rõ và đạt kết quả tốt hơn.
Đối với những môn thi ngoài sách giáo khoa như tư duy logic hay phân tích số liệu, Tín cho biết không có công thức chung để áp dụng như làm toán thông thường. “TS cần tiếp xúc nhiều dạng câu hỏi để tìm ra từng cách giải quyết phù hợp”, anh nói.
Khi làm bài thi, Tín điền đáp án từ trên xuống dưới, bỏ qua vấn đề khó để kiếm điểm nhanh và nhiều nhất có thể. Mỗi lần hoàn thành một môn, nam sinh sẽ nghỉ giải lao vài phút để giữ bình tĩnh. “Thử thách nhất là phần tư duy logic vì câu hỏi rối và dễ làm TS hoảng loạn. Hãy vẽ sơ đồ liên hệ theo dữ liệu có sẵn và lần lượt thử với từng đáp án”, Tín đưa ra lời khuyên.
Tránh học tủ, học vẹt
Để đạt kết quả tối ưu trong bài thi ĐGNL, sự chuẩn bị tốt nhất là luôn trong tâm thế học hỏi, cô Văn Trịnh Quỳnh An, giáo viên ngữ văn Trường THPT Gia Định (TP.HCM), khuyên TS. Nhiều năm ôn thi ĐGNL của ĐHQG TP.HCM, cô An cho biết kỳ thi phụ thuộc nhiều vào người học hơn là người dạy, và việc ôn luyện cũng bổ trợ nhiều cho quá trình học trên lớp.
Một trong những cái hay của kỳ thi ĐGNL, theo cô An là đưa môn học về bản chất của nó. “Toán là tư duy logic, văn là tiếng Việt. Do đó, đề thi đã có những câu hỏi thiết thực giúp TS tránh học tủ, học vẹt, đặc biệt ở môn văn khi tình trạng thuộc lòng văn mẫu còn phổ biến, nhiều em lớp 12 đến giờ chưa viết được một câu đúng ngữ pháp, chính tả”, cô An khẳng định.
Ngoài ra, sự rèn luyện là cách tốt nhất để chinh phục những phân môn “lạ”, vì không làm thế sẽ không thể hình thành được năng lực. Một tiêu chí rèn luyện nên được ưu tiên hàng đầu là năng lực đọc, cô An nhận định. “Riêng phần giải quyết vấn đề, các em phải đối diện với khoảng 3 bài học đọc trên mỗi phân môn nên cần có năng lực tập trung đọc trong khoảng thời gian dài”, nữ giáo viên lý giải.
Ở thời điểm hiện tại, cô An khuyên TS nên bắt đầu luyện đề và tối thiểu cần giải 10 đề trước khi thi. “Khó nhất chính là sắp xếp thời gian. TS phải dành 150 phút tập trung hoàn toàn, không ngắt quãng, không giải lao. Có như vậy, các em mới hình thành phản xạ tốt, dần chịu được áp lực phòng thi khi phải chinh phục tập đề dài khoảng hơn 10 trang”, cô An lưu ý.
Thí sinh làm thủ tục dự thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2022 |
nhật thịnh |
Nên đáp ứng 4 kỹ năng
Thạc sĩ Bùi Văn Công, giáo viên luyện thi ĐGNL thu hút hơn 60.000 lượt theo dõi trên mạng xã hội, nhận xét đề thi ĐGNL “không khó” vì chỉ có 10 câu mỗi môn, độ khó ở mức 7 - 7,5 so với đề tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, vì lượng kiến thức được hỏi tương đương toàn bộ chương trình phổ thông nên TS tự học là chủ yếu, giáo viên chỉ đóng vai trò định hướng, hỗ trợ chứ không thể “cầm tay chỉ việc” hoàn toàn.
Để đạt được kết quả tối ưu, thạc sĩ Công cho rằng TS cần nắm chắc 4 kỹ năng. Thứ nhất là nghiên cứu đề, tức hiểu rõ từng phần trong đề, cũng như từng chủ điểm kiến thức ở mỗi phần. Chẳng hạn, trong môn tiếng Việt, đó là cách sử dụng từ, liên kết câu, biện pháp tu từ... Tiếp đó là khả năng đọc, vì có những câu hỏi cung cấp dữ kiện dài đến nửa trang A4, TS phải biết cách đọc nhanh và kỹ để nắm chắc thông tin.
Hai kỹ năng cuối cần lưu ý, theo thạc sĩ Công là học đều tất cả các môn để có nền tảng kiến thức vững, và luôn ôn luyện để củng cố những khối kiến thức đã học thông qua giải đề và bài tập. “Vì nội dung đề ĐGNL được xây dựng dựa trên những bài thi chuẩn hóa như SAT, TSA yêu cầu cao với việc tư duy và phân tích nên TS cũng cần phát triển thêm những kỹ năng này”, nam giáo viên chia sẻ.
Trong bối cảnh các tổ chức, chương trình luyện thi ĐGNL hiện nay như “nấm mọc sau mưa”, thạc sĩ Công đưa ra cảnh báo về một biến tướng “đảm bảo đầu ra” đang phổ biến. “Bản thân tôi đi thi cũng không tránh khỏi vấp váp nên việc hứa hẹn một mức điểm cao nhất định là bất khả thi. Nó khiến TS tin tưởng mơ hồ vào khóa học giúp đạt thành công mà không bỏ sức nhiều, dẫn đến hậu quả tiền mất tật mang”, thạc sĩ Công bức xúc.
Bình luận (0)