Đề thi học sinh giỏi đề cập đến tuổi 15, sự thay đổi: Giáo viên nói gì?

Bích Thanh
Bích Thanh
30/03/2022 18:27 GMT+7

Ngày 30.3, kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp thành phố tại TP.HCM đã kết thúc, giáo viên đưa ra nhiều ý kiến về đề thi môn ngữ văn với chủ đề sự thay đổi của lứa tuổi 15.

Đề thi học sinh giỏi môn ngữ văn lớp 9 cấp TP khiến cả giáo viên hào hứng

Các giáo viên và học sinh tham gia kỳ thi đã bày tỏ sự thích thú, nhận xét chủ đề của đề môn ngữ văn gần gũi và tạo cảm hứng với văn chương.

Câu 1: Viết cho tôi - tuổi 15 và cho các bạn cùng lứa tuổi với tôi!

Rất có thể bạn đang háo hức đón chờ sinh nhật tuổi 15 với biết bao thay đổi: thay đổi về thể chất và tâm sinh lí, thay đổi về ý thức trách nhiệm với chính mình và với mọi người…

Nhưng bạn có nghĩ rằng làm đứa trẻ vô lo, vô nghĩ sẽ thích hơn trở thành người lớn với biết bao ưu tư cho chuyện học hành, lựa chọn trường lớp và nghề nghiệp tương lai?

Rất có thể bạn đã quen với sự thay đổi của cuộc sống do đại dịch Covid-19 gây ra: thay đổi lối sống - đeo khẩu trang, hạn chế tập trung đông người...; thay đổi cách thức học tập - liên tục chuyển đổi giữa học trực tiếp và học trực tuyến...

Nhưng bạn có nghĩ rằng sự thay đổi như vậy là không cần thiết vì nó khiến chúng ta quá mệt mỏi, hơn nữa đại dịch cũng đâu có kéo dài mãi mãi?

Rất có thể bạn đang lo lắng về việc học hành để chuẩn bị cho tương lai khi nghe nói công nghệ 4.0 sẽ làm thay đổi cuộc sống, nhiều ngành nghề mới sẽ xuất hiện...

Nhưng bạn có nghĩ rằng việc chuẩn bị cho những thay đổi mà chúng ta chưa biết rõ là rất phí công sức và tốn thời gian?

Tại sao cuộc sống cứ vận động và thay đổi?

Mình ghét sự thay đổi.

Ước gì ngày mai, đừng ai tổ chức sinh nhật tuổi 15 cho mình! Mình muốn một ngày như bao ngày, không có gì thay đổi cả!

Cô bé đứng lặng yên bên đường!

Em có đồng ý với suy nghĩ của cô bé trên? Hãy viết bài văn để đối thoại với cô bé ấy".

Câu 2: Trong một bài phỏng vấn trên báo Onet Kultura, nhà văn Ba Lan Olga Tokarczuk -tác giả đoạt giải Nobel Văn học 2018 - cho rằng: Văn học làm người đọc thay đổi cách nhìn nhận về thế giới, khơi dậy trong họ những ý tưởng mới và khiến họ hiểu hơn về người khác.

Bằng những hiểu biết và trải nghiệm văn học, em hãy trình bày suy nghĩ về nhận định trên.

Thạc sĩ Trần Tiến Thành, chuyên viên môn ngữ văn Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết, đề thi hướng đến học sinh phản biện vấn đề đưa ra trong đề thi, rút ra được cho mình nhận thức cuộc sống luôn đổi thay và tuổi 15 cần dũng cảm đối mặt với những đổi thay ấy. Từ đó đề ra những hành động cụ thể để trau dồi bản thân nhằm thích ứng với những đổi thay của cá nhân và xã hội. Và sự vận động, sự thay đổi là điều tất yếu, là quy luật của cuộc sống, đôi khi rất khốc liệt, nó thử thách tuổi trẻ. Thế nên cần thiết chuẩn bị cho bản thân, để thích nghi, để không "khó chịu, bực mình" với những đổi thay.

Chỉ với riêng câu hỏi số 1, giáo viên Đỗ Đức Anh, tổ phó tổ ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), nhận xét: “Đề phù hợp với lứa tuổi học sinh lớp 9, khá mở, hiếm có đề nào đòi hỏi tư duy phản biện của học sinh nhất là học sinh THCS. Đề này đã chạm được vào mong chờ bấy lâu nay. Chúng ta vốn dĩ quen kiểu học có khuôn mẫu sẵn và cứ rập khuôn. Còn với đề này, đòi hỏi học sinh phải phản biện tốt tạo cho các em cảm hứng cầm bút”.

Với riêng đề nghị luận văn học, giáo viên Đỗ Đức Anh cũng nói, không thật sự mới nhưng xét ở góc độ dành cho học sinh thì có thể giúp học sinh phô diễn những kiến thức về lý luận văn học cũng như sự hiểu biết. Đề không đưa ra yêu cầu thu hẹp trong một hay 2 tác phẩm mà các em tự chọn tác phẩm để làm rõ nhận định. Học sinh có thể tha hồ thể hiện sức viết của mình, thoải mái sáng tạo, bứt phá.

Giáo viên Đức Anh chia sẻ thêm: “Tổng thể thì là một đề hay thường niên, tôi trân quý sự nỗ lực của người ra đề khi năm nào TP.HCM cũng có những đề hay. Mong rằng sẽ tiếp tục có đề thi hay hơn nữa trong các kỳ thi sắp tới”.

Giáo viên Huỳnh Lê Ý Nhi, tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THCS Đồng Khởi (Q.Tân Phú), cũng đánh giá đề thi đã tạo sự hứng thú, háo hức với học trò. Để giải quyết được vấn đề thì học sinh phải tư duy để không lạc đề, lan man. Điều này không chỉ cần ở học sinh mà cần ở chính giáo viên, không thể dạy tủ, dạy kiểu áp đặt mà phải dạy cho học sinh biết nhận định, đánh giá, nêu quan điểm.

Đặc biệt, giáo viên của Trường THCS Đồng Khởi còn hào hứng nói: "Đọc đề thi học sinh giỏi mà tôi như thấy mình ở trong đó. Tôi muốn mình luôn vận động, luôn thay đổi một cách tích cực. Nếu không tôi sẽ lạc hậu và thụt lùi, sẽ bị đào thải".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.