Đề thi không quá khó

10/07/2011 00:04 GMT+7

Đa số các giáo viên đều cho rằng đề thi đợt 2 có sự phân loại cao. Phần lớn thí sinh (TS) đều làm bài được nhưng sẽ không có nhiều điểm cao.

Môn sinh khối B năm 2011 (mã đề 357)

Học sinh trung bình vất vả mới được 5 điểm

Một số câu hay, lạ và khó nếu học sinh (HS) không được thầy cô hướng dẫn không thể nào làm được vì vượt quá các dạng bài tập trong sách giáo khoa, đòi hỏi kiến thức tổng hợp và kỹ năng rèn luyện cao, thời gian rèn luyện phải lâu dài. Mặc dù số câu hỏi này không nhiều nhưng cũng giúp phân loại được HS.

Với đề này, HS học trung bình khá vất vả mới có thể kiếm được điểm 5. HS khá giỏi khó kiếm được điểm 10.

 
TS làm bài thi môn văn tại một hội đồng thi trường ĐH Ngoại thương - Ảnh: Ngọc Thắng

Phạm Thu Hằng
(Giáo viên TT luyện thi đại học Vĩnh Viễn, TP.HCM)

Chỉ 0,5% thí sinh đạt điểm 9 - 10

Đề thi môn sinh năm nay nhìn chung đạt các tiêu chí của một đề thi tuyển: bám sát chương trình và có những phần nâng cao để phân loại học sinh khá tốt (có những câu “bẫy”, nếu TS không cẩn thận sẽ bị sập “bẫy”). Phần bài tập năm nay khó và dài. Do đó, tốc độ tư duy của TS  phải cao và kỹ năng tính toán phải rất thành thạo thì mới có thể giải hết bài tập được.

Do phải tốn khá nhiều thời gian vào việc giải bài tập nên tỷ lệ các bài đạt điểm giỏi (9-10 điểm) sẽ thấp, chỉ đạt 0,5%; điểm khá (7-8) cũng không cao, dự kiến đạt 25%, bài trung bình (5-6) dự kiến đạt 19,5%. Bài điểm yếu (3-4) khá nhiều, dự kiến 40%; cũng sẽ có khá nhiều bài điểm kém (1-2 điểm), dự kiến 15%.

Thạc sĩ Võ Quốc Hiến
(Giảng viên khoa sinh trường ĐH Phương Đông)

Môn văn (khối D)

Các câu hỏi đều hướng tới tư duy sáng tạo

Đề thi hay, câu hỏi thi phù hợp với chương trình môn ngữ văn THPT. Các câu hỏi đều hướng tới sự tư duy sáng tạo, kích thích được hứng thú của TS khi làm bài.

Câu 1: Vẫn hỏi kiến thức cơ bản về phương tiện nghệ thuật giàu tính dân tộc của đoạn trích bài thơ Việt Bắc, tuy nhiên nếu chỉ học gạo, khó có thể đạt điểm tối đa.

Câu 2: Vấn đề đưa ra bàn luận rất gần gũi với lứa tuổi vừa tốt nghiệp phổ thông, lại gợi hứng thú để TS bộc lộ chân thành suy nghĩ của mình.

Câu 3a: Cách hỏi hay nhưng không đánh đố. TS có kiến thức vẫn phải tư duy mới hướng việc giải quyết vấn đề vào cách làm rõ một nét phong cách truyện ngắn của Thạch Lam qua khung cảnh phố huyện và tâm trạng của nhân vật Liên trong truyện ngắn Hai đứa trẻ.

Câu 3b: Đòi hỏi không chỉ phân tích một đoạn thơ trong bài Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên mà TS còn phải biết chỉ ra và đánh giá được chất suy tưởng triết lý và nghệ thuật sáng tạo hình ảnh của tác giả trong đoạn thơ. Yêu cầu này có tính phân loại cao và phù hợp với TS học chương trình nâng cao.

Hà Phương Minh
(Giáo viên trường THPT chuyên Lê Hồng Phong)

Môn văn (khối C)

Không có tính đánh đố

Đề thi hay, vừa kiểm tra kiến thức cơ bản, vừa đạt tới độ khó của đề thi ĐH. Kiến thức toàn diện, rải đều từ chương trình lớp 11 và 12.

Câu 1, tuy là câu hỏi thuộc bài nhưng HS phải hiểu vấn đề mới có thể trả lời ngắn gọn mà đầy đủ.

Câu 2, vấn đề đưa ra nghị luận phù hợp, thiết thực với HS.

Câu 3a, dạng câu hỏi không mới nhưng khó, hơn nữa lại hỏi từ tác phẩm của Nguyễn Tuân. Phân tích tình huống truyện đòi hỏi khả năng khái quát và tổng hợp tác phẩm từ tư tưởng đến nghệ thuật. Câu 3b, là câu hỏi phân tích thơ nhưng trong tương quan giữa 3a và 3b, năm nay sẽ có nhiều TS chọn làm 3b. Dự đoán điểm trung bình ở thang 4. HS khá chỉ có thể đạt điểm 5-6. HS giỏi mới có thể đạt được điểm 7-8.

TS Đinh Phan Cẩm Vân
(Giảng viên trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Môn sử

Đề khó, đòi hỏi tính tư duy cao

Đề thi năm nay khó hơn năm trước. Các câu đều đòi hỏi TS phải tư duy, vận dụng kiến thức mới giải quyết được trọn vẹn.

- Câu 1 thuộc chương trình lớp 11 nên sẽ gây bất ngờ đối với TS, tuy vậy đây là câu thuộc lòng, chỉ cần học bài kỹ là làm được.

- Câu 2, TS phải nắm vững nội dung Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng Sản VN và Luận cương chính trị tháng 10.1930 để rút ra điểm khác biệt. Đặc biệt, phải biết vận dụng kiến thức trong giai đoạn 1939 - 1945 để giải quyết các hạn chế của Luận cương.

- Câu 3, TS phải vận dụng kiến thức để biết thắng lợi nào là thắng lợi “đánh cho Mỹ cút” và tác động của nó.

- Câu 4a cũng phải vận dụng kiến thức để biết tổ chức liên kết chính trị kinh tế lớn nhất hành tinh, qua đó mới trình bày được quá trình hình thành và phát triển của tổ chức này.

- Câu 4b là câu thuộc lòng có sẵn trong sách giáo khoa.

Đoàn Văn Đạo
(Giáo viên TT luyện thi đại học Vĩnh Viễn, TP.HCM)

Môn toán (khối B)

Hay và nhẹ nhàng

Nhìn chung, đề toán khối B năm nay nhẹ hơn năm ngoái và dễ hơn đề thi khối A năm nay.

Câu V khó nhất tìm giá trị nhỏ nhất của một biểu thức đối xứng và ràng buộc cũng đối xứng. HS cần nắm vững bất đẳng thức Cauchy và khảo sát hàm để làm câu này. Đây là câu dành cho HS giỏi.

Riêng hai câu hình học giải tích phẳng VI a.1 và Vib.1 có dạng lạ phải là HS giỏi mới có khả năng làm được. Trong khi đó, đề thi khối A hai câu cùng dạng lại dễ hơn.

Hai câu số phức VIIa và VIIb là những câu mới trong ba năm nay dành cho HS trung bình khá.

Đề hay và có tính phân loại cao phù hợp với mục đích tuyển sinh ĐH.

Trần Minh Thịnh
(Giáo viên TT luyện thi đại học Vĩnh Viễn, TP.HCM)

Môn toán (khối D)

Không khó nhưng không dễ điểm cao

Câu II.2 là đại số thuộc dạng khó, phải là HS khá giỏi mới có thể làm được, phải khéo léo trong việc chọn đặt ẩn phụ.

Câu V chỉ  HS thật sự giỏi, xuất sắc mới giải được. HS phải khéo léo trong cách đặt 2 ẩn phụ U, V, rồi chuyển về phương trình một ẩn và sử dụng phương pháp khảo sát hàm số mới tìm ra được kết quả.

Câu VIa.1 là hình học giải tích phẳng thuộc chương trình lớp 10, câu này cũng thuộc loại khó đối với HS. Những năm gần đây, Bộ thường chọn dạng câu hỏi về hình học giải tích trong mặt phẳng  để phân hóa HS khá giỏi.

Câu VI.b.1 tương đối khó. HS rất khó thấy được hướng giải.

Tóm lại đề thi khối D năm nay không khó lắm, tuy nhiên HS khá kiếm được 7 điểm cũng thật khó.

Trương Quang Ngọc
(Giáo viên trường THPT Lạc Hồng, TP.HCM)

Thí sinh dễ bị nhầm lẫn

Ở câu 3 đề thi môn sử, TS rất dễ nhầm lẫn giữa thắng lợi về mặt quân sự với kết quả của Hiệp định Paris 1973 và sẽ có lượng lớn TS không làm được ở phần này. Với câu 4, phần a cũng dễ khiến TS nhầm lẫn cho rằng đó là tổ chức Liên Hiệp Quốc trong khi đúng phải là Liên minh châu u. Do vậy, đề phân hóa khá cao, TS khó có thể đạt được điểm cao, đa số điểm thi sẽ nằm ở mức trên trung bình.

Nguyễn Kim Tường Vy
(Tổ trưởng tổ lịch sử trường THPT Nguyễn Hiền, TP.HCM)

Hay nhưng “hóc”

Đề văn khối D hay ở chỗ câu 1 không chỉ đòi hỏi đơn thuần ở TS về tái hiện mà còn cần vận dụng kiến thức. Tuy nhiên, đề thi cũng rất vừa sức với cả TS học ban cơ bản và TS chuyên ban khoa học xã hội. Học sinh trung bình cũng có thể làm được tương đối. Với câu nghị luận, đề rất mở lại có tính tư tưởng cao. Tuy nhiên, ở phần nâng cao người ra đề hơi thiên về hướng tư tưởng triết lý nên với tầm của học sinh phổ thông là hơi đánh đố. Đề văn của khối C rất sâu, nâng cao và chuyên nghiệp hơn hẳn.

Nguyễn Thanh Hằng
(Tổ trưởng tổ văn trường THPT Marie Curie, TP.HCM)

Phần tự chọn nâng cao dễ hơn chuẩn

Ở phần tự chọn, đề thi môn toán khối D dành cho chương trình nâng cao lại dễ hơn dành cho chương trình chuẩn. Vì vậy, đề thi môn toán khối D có thể phân loại HS tương đối tốt. TS học lực trung bình - khá có thể đạt 5 - 6 điểm, khá có thể đạt 7 - 8 điểm.

Thạc sĩ Nguyễn Duy Hiếu 
(Tổ trưởng tổ toán trường THPT chuyên Lê Hồng Phong)

Ra đề rất khéo

Đề thi môn sinh tốt, đạt yêu cầu ở kỳ thi tuyển sinh ĐH, không khó quá nhưng người ra đề rất khéo, bám sát kiến thức phổ thông và có thể phân loại được học sinh. Tỷ lệ giữa bài tập và lý thuyết cũng hợp lý.

Với đề thi này, những TS không luyện thi nhưng học giỏi ở phổ thông vẫn có thể kiếm được 6 - 7 điểm. Học luyện thi có thể tìm được điểm cao hơn. Nhưng sẽ khó có điểm 10. Nhiều HS của tôi là HS giỏi cấp thành phố nhưng chưa em nào làm được đúng 100% cả.

Hoàng Hải Châu
(Giáo viên môn sinh học trường THPT Nguyễn Hữu Huân TP.HCM)

Khó có điểm 10

Trong đề thi môn toán khối B, phần hàm số và lượng giác tương đối dễ kiếm điểm đối với HS học lực khá. Câu về phần đại số gây khó khăn một chút, buộc TS phải biết cách đặt ẩn phụ. Câu tích phân, TS trung bình - khá có thể làm được phân nửa. Phần hình học câu 7a tương đối khó. Vì vậy, đề thi này phân loại tốt TS. Học sinh giỏi có thể kiếm được 8 - 9 điểm nhưng sẽ có rất ít điểm 10, vì câu 5 rất khó, chỉ TS thật xuất sắc mới làm được.

Đào Xuân Văn
(Tổ trưởng tổ toán trường THPT Nguyễn An Ninh)

H.Ánh - Đ.Nguyên (ghi) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.