Không có cách nào trả lời hết thắc mắc, câu hỏi của học sinh, phụ huynh, khán giả truyền hình (VTV9 Đài truyền hình VN) ngay trong buổi khai mạc chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 17.1 tại Trường THPT Nguyễn Khuyến, Q.10, TP.HCM.
Học sinh hào hứng đặt câu hỏi trực tiếp với lãnh đạo Bộ GD-ĐT và chuyên gia tư vấn ở các trường - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Vì thế, dù thời lượng chính thức truyền hình trực tiếp trong 90 phút nhưng học sinh tiếp tục đặt câu hỏi trực tiếp với các trường tham dự đến hơn một giờ sau mới kết thúc chương trình.
Kiểm tra sự hiểu biết xã hội, vận dụng kiến thức
|
Ngay đầu chương trình, PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) đã phân tích những điểm lợi trong kỳ thi 2015. Theo ông Nghĩa, năm nay thí sinh chỉ phải dự thi một lần để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ thay vì phải thi 2 lần như năm trước. Trước kia, lúc đăng ký dự thi, thí sinh phải đăng ký trường thi thì nay khi biết kết quả thi mới lượng sức mình để chọn trường, chọn ngành. Điều này giúp thí sinh tăng thêm cơ hội trúng tuyển. Dù có thêm nhiều tổ hợp xét tuyển mới để thí sinh lựa chọn nhưng chỉ tiêu xét tuyển cho khối truyền thống vẫn chiếm 75%, điều này vừa đảm bảo tính ổn định vừa tăng thêm lựa chọn cho thí sinh.
Ngay sau đó, Đỗ Anh Thư (học sinh lớp 12A2) hỏi: “Điểm thi tính theo thang điểm 20 thì điểm xét tuyển vào các trường thay đổi như thế nào?”. PGS-TS Nghĩa giải đáp, thang điểm 20 sẽ khiến việc chấm thi vất vả hơn nhưng sẽ có lợi hơn cho thí sinh khi từng ý nhỏ được tính điểm. Điểm ưu tiên, điểm khuyến khích cũng được nhân đôi theo thang điểm mới. Và theo đó, ngưỡng điểm đảm bảo đầu vào (điểm sàn cũ) cũng phải tăng lên.
Rất nhiều câu hỏi gửi đến chương trình tập trung vào cấu trúc, cách ra đề trong kỳ thi sắp tới. Nguyễn Thương Nhi (lớp 12H5) đặt câu hỏi trực tiếp tại sân trường: “Đề thi THPT quốc gia năm nay theo thang điểm 20, vậy sẽ có những thay đổi thế nào so với các năm trước?”. PGS-TS Trần Văn Nghĩa, cho biết năm nay sẽ tiếp tục hướng ra đề như năm 2014. Phạm vi đề thi rơi vào kiến thức THPT mà chủ yếu là lớp 12, không đánh đố, lắt léo. Trong đó các môn khoa học xã hội sẽ theo hướng mở, giảm chuyện học thuộc lòng mà yêu cầu học sinh phải biết phân tích sự kiện. Đề các môn khoa học tự nhiên thì ngoài việc đánh giá kiến thức THPT, sẽ tập trung vào các câu hỏi vận dụng kiến thức, thực hành.
Liên quan vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hạnh, phụ huynh một học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM) cũng thắc mắc: “Tôi có nghe cơ cấu đề thi năm nay dựa trên việc xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Tôi muốn hỏi rõ là đề thi có cơ cấu 50% xét tốt nghiệp, 50% để xét tuyển ĐH hay sao?”. PGS-TS Nghĩa giải đáp: “Đề thi có 2 nhóm câu hỏi, nhóm 1 giống các câu hỏi đề thi tốt nghiệp năm ngoái đảm bảo học sinh trung bình có thể tốt nghiệp,
nhóm 2 câu hỏi khó để phân loại thí sinh để tuyển vào ĐH và CĐ”. Cũng theo PGS-TS Nghĩa, đề thi nhiều năm có sử dụng kiến thức liên ngành, không chỉ dừng lại kiến thức môn học đó mà nhiều môn khác, đặc biệt là các hiểu biết xã hội của học sinh.
Nộp 1 hay 4 nguyện vọng?
Gọi điện qua đường dây nóng, phụ huynh Nguyễn Thị Thuận (Bảo Lộc, Lâm Đồng) thắc mắc: “Thay vì chọn 4 nguyện vọng vào một trường, con tôi chỉ chọn 1 nguyện vọng được không? Giả sử con tôi thi được 26 điểm nhưng xét tuyển vào Trường ĐH Y Dược TP.HCM bị rớt thì có thể chuyển sang xét tuyển Trường ĐH Tây Nguyên được không?” PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, giải đáp: “Mỗi đợt xét tuyển thí sinh có 4 nguyện vọng vào 4 ngành cùng một trường, nếu chỉ đăng ký 1 nguyện vọng thì cơ hội trúng tuyển sẽ giảm đi rất nhiều. Chẳng hạn nếu thi được 26 điểm mà đăng ký xét tuyển ngành y đa khoa 27 điểm thì mất luôn cơ hội trúng tuyển đợt này. Nếu trước đó chọn thêm nguyện vọng vào các ngành răng - hàm - mặt, điều dưỡng, dược... thì có thể trúng tuyển”.
PGS-TS Khôi cũng tư vấn thêm, trong thời gian xét tuyển nếu biết chắc không thể trúng tuyển vào Trường ĐH Y Dược TP.HCM dựa trên các thông tin trường công khai trên trang web, thí sinh có thể rút hồ sơ để nộp vào Trường ĐH Tây Nguyên.
Một thí sinh thắc mắc qua đường dây nóng: “Mọi năm Trường ĐH Kinh tế TP.HCM chỉ lấy một mức điểm chuẩn, năm nay có 4 nguyện vọng thì trường xử lý thế nào?”. Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết năm nay dự kiến trường vẫn tiếp tục áp dụng điểm chuẩn chung cho các ngành, lấy từ cao xuống thấp đến hết 4.000 chỉ tiêu. Như vậy việc em nộp 1 hay 4 nguyện vọng vào trường cũng không khác nhau.
Nhiều kênh thông tin đến học sinh và phụ huynh Năm nay, chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên sẽ được thực hiện ở 15 tỉnh thành trên cả nước, từ thành phố lớn đến tận các vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo. Ngoài hình thức tư vấn tại chỗ với quy mô lớn, chương trình còn thiết kế nhiều kênh thông tin đến học sinh và phụ huynh: cẩm nang, truyền hình trực tiếp, báo in, báo điện tử, tư vấn trực tuyến, tờ gấp, CD...
Bộ GD-ĐT đánh giá rất cao sự thành công của chương trình này về nội dung phong phú được cập nhật thường xuyên lẫn phương thức tổ chức đổi mới không ngừng để phù hợp với đổi mới thi cử. Chính qua chương trình này, Bộ đã chắt lọc được nhiều thông tin bổ ích, hiểu biết thêm nguyện vọng thí sinh để điều chỉnh quy chế cho phù hợp. Tôi đề nghị các ĐH, học viện, trường ĐH và CĐ, các sở GD-ĐT hợp tác chặt chẽ, tích cực tham gia các hoạt động Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên để giúp học sinh có được lựa chọn ngành nghề và môi trường đào tạo phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước. GS-TS Bùi Văn Ga |
|
Bình luận (0)