Đề thi tốt nghiệp THPT 2024 môn lịch sử, địa lý, GDCD có điểm gì mới?

Bích Thanh
Bích Thanh
28/06/2024 15:18 GMT+7

Giáo viên các môn lịch sử, địa lý, GDCD tại TP.HCM đã có những nhận định về nội dung và yêu cầu của bài thi khoa học xã hội kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Đề thi tốt nghiệp THPT 2024 môn lịch sử, địa lý, GDCD có điểm gì mới?- Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) vui mừng sau khi hoàn thành bài thi khoa học xã hội

BẢO CHÂU

Đề thi môn lịch sử yêu cầu thí sinh kỹ năng phân tích

Giáo viên Đỗ Thị Hằng, tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Long Trường (TP.Thủ Đức), nhận xét đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 nhẹ nhàng, vừa sức học sinh, phù hợp với năm cuối của Chương trình GDPT 2006.

Với mức đề này, thí sinh chỉ cần đọc kỹ, phân tích kỹ đề là làm được. Học sinh khá giỏi có thể đạt điểm 8, 9 thậm chí là điểm 10. Phổ điểm chung khoảng 6 đến 6,5 điểm.

Giáo viên Đỗ Thị Hằng nói thêm trong đề thi môn lịch sử vẫn có các câu hỏi mang tính phân hóa, đòi hỏi học sinh không chỉ vững kiến thức mà còn phải có kỹ năng phân tích đề, phương pháp loại trừ. Đề này không khó với học sinh giỏi và có thể đạt 9, 10 điểm.

Đề địa lý không khó nhưng khó đạt điểm tuyệt đối

Còn ở môn địa lý, giáo viên Phan Thị Xuyến, tổ trưởng tổ địa lý Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) nhận xét với 40 câu trắc nghiệm, đề thi môn địa lý có nội dung lý thuyết nằm hoàn toàn trong chương trình địa lý lớp 12, có 2 câu kỹ năng bảng số liệu và biểu đồ lấy số liệu từ chương trình lớp 11.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2024: ‘Các bạn làm rất nhanh rồi ngủ!’

Phần lý thuyết có 21 câu, phần kỹ năng đặc thù bộ môn có 19 câu. Câu hỏi được sắp xếp theo mức độ từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng và vận dụng cao giúp thí sinh tránh hoang mang, mất bình tĩnh khi làm bài. Đồng thời nội dung và yêu cầu của đề thi đảm bảo 2 mức độ phù hợp với mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH.

Đề có sự phân hóa, học sinh làm tốt các câu kỹ năng địa lý và kiến thức lý thuyết cơ bản là có thể làm được 7 đến 7,5 điểm.

Nói chung đề năm nay không quá khó nhưng để đạt điểm tuyệt đối cũng không dễ.

Với thí sinh muốn đạt điểm cao hơn cần làm tốt 10 câu cuối thuộc phần vận dụng và vận dụng cao (từ câu 71 đến câu 80). Những câu này đòi hỏi thí sinh không chỉ nắm vững kiến thức lý thuyết bài học mà còn cần có tư duy logic tốt, có kiến thức xã hội sâu rộng và có năng lực giải quyết vấn đề.

Giáo viên Phan Thị Xuyến nhận xét những câu hỏi sử dụng atlat địa lý Việt Nam năm nay giống năm ngoái, đề bài không ghi rõ số trang mà ghi tên trang atlat học sinh cần sử dụng. Vì vậy, để chọn được đáp án đúng và nhanh, thí sinh cần nắm nội dung các trang atlat thể hiện hoặc đọc nhanh trang mục lục. Phần này năm ngoái gây lúng túng cho thí sinh nhưng năm nay đề tham khảo đã thể hiện rõ nên chắc các em sẽ làm tốt.

Phần biểu đồ và bảng số liệu thí sinh cần nhớ công thức tính tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên và có kỹ năng xử lý để rút ra nhận xét chính xác. Ngoài ra, thí sinh cần nắm vững dấu hiệu nhận biết đặc trưng của các dạng biểu đồ để nhận dạng và chọn đúng biểu đồ thích hợp.

Đề thi tốt nghiệp THPT 2024 môn lịch sử, địa lý, GDCD có điểm gì mới?- Ảnh 2.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT tại điểm thi Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM)

NHẬT THỊNH


Đề thi tốt nghiệp môn GDCD có phần nhận định đúng-sai

Với đề thi môn GDCD, cô Phạm Thị Luyến, tổ trưởng tổ chuyên môn Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), cho biết đúng cấu trúc của đề minh họa. Trong đó có 90% là kiến thức nằm trong chương trình lớp 12 và 10% là kiến thức của chương trình lớp 11. Học sinh nếu học bài sẽ được 8 điểm trở lên.

Trong đề thi có một số câu tình huống pháp luật đòi hỏi thí sinh phải đọc kỹ đề thi, xác định đúng yêu cầu để tránh bị nhầm lẫn đáng tiếc. Những câu khó của đề thường rơi vào bài 2, 4, 6, 7 của chương trình lớp 12. Còn kiến thức lớp 11 chủ yếu là nhận biết và thông hiểu.

Cô Luyến cũng cho biết so với năm trước, đề thi GDCD năm nay có một số câu hỏi mang tính nhận định đúng, sai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.