Đề thi văn hướng người trẻ sống có trách nhiệm

26/06/2018 07:06 GMT+7

Đề văn hay. Đó là nhận xét của hầu hết thí sinh và giáo viên cho dù thí sinh có bài làm tốt hay không và cả dự đoán khó có điểm cao ở môn thi này.

Nêu lên chính kiến của một công dân trưởng thành
Giáo viên Trương Minh Đức, Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), nhận xét đề thi là thông điệp của người nghệ sĩ, thể hiện được quan điểm “cuộc đời là điểm xuất phát (bắt đầu) cũng là điểm cuối (nơi đi đến) của văn học”. Đây còn là thông điệp của người ra đề hướng các bạn trẻ sống có ý thức và trách nhiệm. Ở phần đọc - hiểu, thí sinh (TS) thể hiện được suy nghĩ, chính kiến của lứa công dân trẻ, phát huy tính dân chủ và thỏa được phần nào nỗi trăn trở của người trẻ trước tình hình đất nước.
PGS-TS Trần Lê Hoa Tranh, giảng viên Khoa Văn học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng đề thi năm nay đổi mới ở chỗ hướng học sinh suy nghĩ đến những vấn đề thực tiễn, không mang tính thời sự nhất thời mà khiến học sinh phải suy nghĩ với tư cách là một công dân trưởng thành 18 tuổi. Đây sẽ câu phân hóa TS, vì khá khó đối với những TS học lực trung bình và yếu. Việc TS phải liên hệ 2 quan niệm nghệ thuật của Thạch Lam và Nguyễn Minh Châu, nối kết với hai tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa và Hai đứa trẻ sẽ là thách thức. Ngược lại, đối với những TS có học lực khá trở lên thì câu này sẽ là không gian cho các em xoay trở ngòi bút và các em sẽ thích thú.
Mong đưa bài thơ Đánh thức tiềm lực vào sách giáo khoa
Trao đổi với PV Thanh Niên về đề thi môn văn có trích bài thơ Đánh thức tiềm lực của mình, nhà thơ Nguyễn Duy cho biết ông cảm thấy rất bất ngờ. Ông cũng rất mừng vì thấy đây là lần đầu tiên đề thi chạm đến trách nhiệm công dân, trách nhiệm văn chương đối với tình hình hiện nay của đất nước.
“Nhưng thật ra, tôi mong bài thơ này không chỉ ra đề thi mà còn được đưa vào sách giáo khoa, đưa vào nhà trường. Đề thi thì chỉ khoanh lại trong giới hạn chuyên môn. Còn về xã hội, nhân cách, con người, tương tác giữa văn hóa với phát triển kinh tế trong bài thơ còn dài lắm. Nhất là ở đoạn về sau”, nhà thơ Nguyễn Duy chia sẻ.  
Đăng Nguyên
Giáo viên Đỗ Đức Anh, Tổ phó Tổ ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cho rằng đề thi có ý nghĩa khi khai thác trách nhiệm công dân của người trẻ đối với đất nước thông qua câu nghị luận xã hội.
Sẽ có ít bài văn điểm cao
Các giáo viên đều cho rằng đề văn năm nay hay và khó nên có tính phân loại cao. TS không thể học tủ mà phải vận dụng kiến thức, kỹ năng, phương pháp để làm bài. Theo PGS-TS Hoa Tranh, dự đoán sẽ có ít bài văn điểm cao, phổ điểm tập trung ở mức 5 - 6 điểm.
Giáo viên Lê Minh Tân (Q.2, TP.HCM) nhận xét câu hỏi nghị luận văn học khá hay, từ cách hỏi đến cách chọn tác phẩm. Yêu cầu của đề buộc TS nắm kiến thức và phải hiểu sâu sắc về vấn đề của tác phẩm, để từ đó có cái nhìn so sánh với tác phẩm khác một cách toàn diện. Còn theo giáo viên Đức Anh, với cách ra đề này, TS không thể học tủ, phải hiểu mới làm tốt và cũng là cơ sở để các trường ĐH tuyển được TS đủ năng lực.
Giáo viên các địa phương cũng dành nhiều tình cảm cho đề văn năm nay. Cô Ngô Thị Trang, Trường THPT Trường Chinh (Đắk Lắk), nhận xét: “Đề thi văn ra kiểu lạ và thật sự rất hay, rất thú vị”.
Theo bà Trang, đề năm nay có những “điểm sáng” đáng kể. Và vì thế sẽ phân loại được TS dễ dàng. Học sinh khá có thể làm 7 điểm, học sinh giỏi hơn, không chỉ giỏi văn mà có thêm kiến thức xã hội, có khả năng lập luận sắc bén mới có thể đạt điểm 8, 9”. 

Cô Lê Thị Tâm, giáo viên Trường THPT Bàu Bàng, H.Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương), cho biết với đề thi này học sinh đạt điểm 9, 10 không dễ. Cô Tâm nhận xét: “Đề năm nay hay hơn và khó hơn năm trước. Vấn đề đặt ra trong đề mới hơn và có tính sáng tạo”.
Còn cô Trần Thị Mỹ Phương, Tổ trưởng Tổ văn, Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh (TX.Gia Nghĩa, Đắk Nông), dự đoán: “Những em khá giỏi sẽ đạt thấp nhất từ 7, còn những em thi chỉ để xét tốt nghiệp khoảng 4 - 5 điểm”.
Đánh giá về đề thi, cô Ngô Hồng Nhung, giáo viên ngữ văn Trường THPT chuyên Hạ Long, Quảng Ninh, cho biết: “Đề thi văn năm nay khá khó nhưng có tính phân loại, chọn lọc TS. Câu 2 của phần làm văn hơi khó cho TS”.
Trong khi đó, phần lớn TS tuy thích thú nhưng cũng khá bất ngờ vì cho rằng đề hơi lạ, có tính sáng tạo nhưng không dễ “ăn” điểm.
Thử thách đối với cả thí sinh giỏi
Trong phần đọc hiểu, văn bản khảo sát là một đoạn trích thơ nói về việc đánh thức tiềm lực của đất nước. Đây là một vấn đề rất gần gũi với TS, với thời sự đất nước. Phần đọc hiểu có 4 câu hỏi được sắp xếp theo trình tự từ dễ đến khó. Tuy nhiên, không có sự đánh đố. Câu 4 đòi hỏi TS bày tỏ quan điểm của mình đối với một ý kiến được trích từ văn bản. Đây là một câu có tính phân loại cao nhất trong 4 câu. Nội dung của phần trả lời cũng dễ dàng bộc lộ trình độ nhận thức của mỗi TS đối với vấn đề được đặt ra trong câu hỏi.
Câu 1 trong phần II là nghị luận xã hội có ý nghĩa định hướng giáo dục quan trọng đối với thế hệ trẻ. Đồng thời cũng mang tính phân hóa TS khá cao. TS có trình độ yếu sẽ viết rất sơ lược và mắc nhiều lỗi về hành văn. TS có trình độ trung bình và khá nếu không biết cách vận dụng phương pháp làm bài để tìm ý thì cũng sẽ khó có được nội dung đầy đủ. Còn đối với TS giỏi, việc đảm bảo yêu cầu độ dài (200 chữ) hòa hợp với nội dung của vấn đề là một thử thách không phải nhỏ. Câu 2 trong phần II là nghị luận văn học, không có tính chất đánh đố TS, không đòi hỏi TS phải học thuộc lòng nhưng đòi hỏi TS phải nắm được kiến thức cơ bản của hai tác phẩm. Đề vừa có tính chất giáo khoa, vừa có tác dụng phân loại TS rất rõ.
Nguyễn Hữu Dương 
(Trường THPT Vĩnh Viễn, TP.HCM)

Ý kiến
Câu nghị luận văn học yêu cầu quá nhiều
Điểm nhấn của đề là nội dung “đánh thức tiềm lực của đất nước” được ra khá gần với thực tế. Tuy nhiên, câu nghị luận văn học yêu cầu nhiều quá, khiến TS nản lòng. Với cách ra đề như thế này (và sẽ thêm kiến thức lớp 10 cho kỳ thi 2018 - 2019), dự đoán TS sẽ không quan tâm đến câu nghị luận văn học nữa, vì đòi hỏi nhiều ở cả kỹ năng làm bài lẫn kiến thức.
Nguyễn Tuyết Nhung
(Giáo viên ngữ văn Trường THPT Nguyễn Hiền, TP.HCM)
Mới so với các năm trước
Điểm mới so với đề các năm trước là ở câu nghị luận văn học, yêu cầu phân tích thủ pháp đối lập trong một chi tiết nghệ thuật của tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu ở lớp 12, từ đó liên hệ với sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu trong truyện Hai đứa trẻ của Thạch Lam ở lớp 11 để nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả. Đây chính là yêu cầu mức độ cao của đề và phân hóa được năng lực của TS.
Thạc sĩ Đào Tấn Trực
(Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên)
Độ khó tăng dần
Về bố cục, thang điểm, cách yêu cầu, cũng như phạm vi giới hạn kiến thức, có thể thấy đề thi môn văn không có nhiều bất ngờ đối với TS. Đề thi sát với mẫu đề thi minh họa mà Bộ đã công bố. Tuy nhiên, điểm nổi bật nhất của đề thi năm nay, điểm đã đem đến nhiều nhận xét khác nhau về mức độ khó dễ từ phía TS, là ở chỗ đề thi gồm nhiều mức độ: dễ, vừa, khó và rất khó. Mức độ khó tăng dần theo từng câu hỏi trong đề thi.
Trần Ngọc Tuấn
(Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.