Theo cô Huỳnh Lê Ý Nhi, cấu trúc đề thi văn năm nay tương tự năm trước. Yêu cầu của câu 1 quen thuộc, không gây khó khăn cho học sinh.
Câu 2 nghị luận xã hội, nhìn qua thấy dễ nhưng nếu học sinh lơ là, không tập trung dễ bị đánh lừa. Đề bài của câu 2 giúp học sinh có thể trình bày ý kiến của mình đồng ý hoặc ngược lại. Bởi thực tế, không chỉ điều ngọt ngào mới làm nên yêu thương mà bên cạnh đó còn có sự nghiêm khắc, sự bao dung...
Câu 3, nghị luận tác phẩm văn học vừa sức với học sinh nhưng không yêu cầu học sinh nghị luận đóng khung trong tác phẩm mà còn tạo điều kiện cho các em mạnh dạn, thể hiện suy nghĩ, liên hệ thực tế vào bài viết.
Nói chung, đề thi hay, có điều kiện chọn ra được những học sinh có năng khiếu, sáng tạo khi học và viết văn.
Theo nhận định của thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi (Khoa Ngữ Văn, ĐHSP TPHCM) thì phần kiến thức về tiếng Việt (thành phần phụ chú, biện pháp tu từ) được kiểm tra hợp lí, vừa sức, không làm khó phần đông thí sinh, giúp các em có thể lấy được trọn vẹn điểm.
Học sinh thi xong môn ngữ văn - Ảnh: Ảnh: L.Ngọc
|
Nội dung nghị luận xã hội (phần chính thức và câu 1 điểm) gần gũi, nhẹ nhàng, có điều kiện liên hệ với chính đời sống thực tế của các em. Theo đuổi ước mơ, quan niệm về tình yêu thương là những vấn đề thiết thân, cũng là những điều các em thường suy nghĩ, liên quan đến nhiều mối quan hệ xung quanh các em đã, đang và sẽ trải nghiệm. Thậm chí, đề thi mở ra những nhận thức mới mẻ, sâu sắc để giúp các em hiểu mình, hiểu người khác và hiểu cuộc sống hơn.
Nội dung nghị luận văn học gắn với một tác phẩm quen thuộc, người ra đề đã trích dẫn sẵn văn bản cho học sinh để giúp các em không gặp khó khăn với dẫn chứng trực tiếp, có thể tập trung vào diễn đạt tốt hơn. Nhân vật anh thanh niên trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa cũng là một nhân vật để lại nhiều suy nghĩ về cách sống đúng đắn. Chọn một phát ngôn rất thực tế, chân thành và chí tình để tìm hiểu, khám phá sâu hơn nét đẹp trong phẩm chất, suy nghĩ của nhân vật là một hướng đi rất đáng khích lệ. Tôi rất thú vị với cách liên hệ, đối chiếu mà đề thi đã đưa ra. Không dừng ở phạm vi văn học, yêu cầu đề mở rộng đến thực tế, từ đó làm bật lên vẻ đẹp của sức trẻ Việt Nam...
Cô Nguyễn Thị Bảo Oanh (giáo viên môn văn tại Trường THCS Chánh Hưng, Q.8) cho biết: “Đề thi này hoàn toàn không khó và nằm trong tầm tay của học sinh. Nhiều học trò thi xong đã gọi điện báo làm bài tốt và rất hồ hởi”.
Trong khi đó, nhiều thí sinh đánh giá đề thi văn hoàn toàn trong chương trình học và ôn thi, không có yếu tố bất ngờ.
Cô Nguyễn Thị Thanh Xuân, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình), hỏi thăm, dặn dò học sinh sau giờ thi môn ngữ văn - Ảnh: Nguyên Mi
|
“Đề khá dễ, nội dung nằm hết trong chương trình học và ôn thi của tụi em. Em chỉ lo nhất câu cuối (Câu 3) vì sợ liên hệ không đúng”, thí sinh Vũ Thúy Hằng (học sinh Trường THCS Hoàng Hoa Thám, Q.Tân Bình) chia sẻ.
Với môn ngữ văn, hầu hết thí sinh đều tận dụng hết 120 phút làm bài thi của mình. Sau giờ thi, tại HĐT Trường THCS Hoàng Hoa Thám, một nhóm thí sinh có sức học môn văn trung bình khá cho biết đề thi văn này không khó và không có gì bất ngờ hay lạ so với nội dung học, ôn thi, học sinh trung bình có thể đạt được 6-7 điểm.
Về nội dung đề thi, “các câu hỏi tập trung hỏi về ước mơ và sự yêu thương của giới trẻ nên cũng khá gần gũi với tụi em”, thí sinh Bảo Anh nhận xét.
Lịch thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM:
Ngày thi
|
Buổi
|
Môn thi
|
Thời gian làm bài
|
Giờ mở túi đề thi
|
Giờ phát đề thi cho thí sinh
|
Giờ bắt đầu làm bài
|
11.6.2016
|
Sáng
Chiều
|
Ngữ văn
Ngoại ngữ
|
120 phút
60 phút
|
7 giờ 40
13 giờ 40
|
7 giờ 55
13 giờ 55
|
8 giờ 00
14 giờ 00
|
12.6.2016
|
Sáng
|
Toán
|
120 phút
|
7 giờ 40
|
7 giờ 55
|
8 giờ 00
|
Chiều
|
Môn chuyên
|
120phút/ 150 phút
|
13 giờ 40
|
13 giờ 55
|
14 giờ 00
|
Bình luận (0)